Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

Fed: Lãi suất tăng có cứu được hệ thống Petrodollar?

Trong nhiều bài viết trước đây, tôi trích dẫn các dự báo của kinh thánh và chiêm tinh học về sự sụp đổ của Đế Chế Hoa Kỳ và đồng USD từ năm 2015-2022. FED người đã tạo ra đế chế USD cũng sẽ mất đi quyền lực thống trị. Khi đồng USD không còn là kẻ thống trị, nước Mỹ cũng không còn là đế chế nữa.  Thay vào đó, là hệ thống tiền tệ bản vị vàng mới

Trong 7 năm tới, đồng USD sẽ mất dần vị trí thống trị như thế nào, bài phân tích dưới đây sẽ chỉ rõ. Nhưng cũng giống như con nghiện trước khi chết, việc chích heroin liều cao (bằng cách tăng lãi suất) là cách để nó cố gắng níu giữ mọi thứ. Một con hổ cùng đường sẽ liều chết và chiến đấu mạnh mẽ...Đồng USD trước khi gục ngã, sẽ trở nên vô cùng mạnh mẽ.




Vào ngày 16.9 và 17.9, Cục dữ trự liên bang Mỹ sẽ có cuộc họp quan trọng về chính sách tiền tệ liên quan đến việc tăng hay không tăng lãi suất đồng USD. Tuy nhiên, việc Fed nâng hãy không nâng lãi suất trong tháng 9 cũng không quá quan trọng vì Fed vẫn còn hai cuộc họp khác (ngày 28.10 và ngày 16.12) trong năm 2015. Việc Fed nâng lãi suất đồng USD chỉ là vấn đề thời gian nhằm cứu vãn vị thế đang lung lay của đồng bạc xanh trong hệ thống tiền tệ Petrodollar mà họ tạo dựng từ năm 1973.

FED đang “ đánh đố” các nhà đầu tư.

FED đã dừng chương trình nới lỏng định lượng QE3 vào tháng 10.2014 và trong suốt gần 1 năm nay, các trader luôn dõi theo mỗi phiên họp của FED, phân tích từng câu chữ để tìm ra được manh mối về chính sách của FED: “Khi nào Fed sẽ tăng lãi suất?”.

Tuy nhiên, Fed thì luôn mập mờ và việc thay đổi các câu chữ khiến giới đầu tư càng trở nên khó đoán. Tháng 12.2014, Fed bỏ cụm từ “ giữ lãi suất thấp trong một khoảng thời gian đáng kể” và thay vào đó là cụm từ “Kiên Nhẫn” ít nhất là cho đến tháng 4.2015. Và đến tháng 3.2015, FED lại bỏ từ “Kiên nhẫn” và nhưng chủ tịch Yellen lại nói thêm: “Bỏ từ “kiên nhẫn” không phải là chúng tôi đang mất kiên nhẫn mà là chúng tôi sẽ chuyển sang phụ thuộc quan sát các số liệu kinh tế.” Liên tiếp các cuộc họp sau đó, Fed lại bỏ ngỏ thời điểm nào tăng lãi suất và khiến các trader trong tình trạng mất phương hướng. Thời điểm nâng lãi suất cứ thế liên tục dời đến các buổi họp khác.

Đó là chưa kể vào đầu năm 2014, Fed đã bỏ qua hai định hướng chính sách lãi suất là : “ lạm phát 2.5% và tỷ lệ thất nghiệp 6.5%”  nhưng trong một số phát biểu tháng 3.2015, Fed nói rằng: “thời điểm thích hợp nhất để tăng lãi suất  khi tình hình việc làm đạt đến trạng thái toàn dụng và đạt mục tiêu lạm phát 2%” khiến các nhà đầu tư thực sự bối rối. Họ không biết đâu là định hướng chính sách lãi suất của Fed.

Thực ra, việc Fed tỏ ra mập mờ là do FED đang ở trong thế lưỡng nan về chính sách lãi suất đối với đồng USD.

Còn nhiều nghi vấn đằng sau việc Fed ngừng QE3 và muốn nâng lãi suất

Một trong những câu hỏi quan trọng nhất là tại sao Fed lại dừng QE3 vào tháng 10.2014 khi tình hình việc làm Mỹ còn chưa được cải thiện rõ ràng và lạm phát chưa đạt tới mục tiêu 2%?  Rõ ràng, Fed vẫn còn room để nới lỏng định lượng khi các mục tiêu kinh tế còn chưa đạt được và không hề có áp lực lạm phát. Tại thời điểm tháng 6.2013, khi ông Bernanke thông tin trước về khả năng Fed rút QE3 vào giữa năm 2014, Ông nói: “muốn ngăn chặn bong bóng tài chính và nền kinh tế Mỹ đủ khỏe để tăng lãi suất”

Lập luận của Bernanke nghe có vẻ hợp lý nhưng chưa đủ sức thuyết phục. Vẫn còn một số điểm chưa thỏa đáng. Tình trạng bong bóng tài sản được nhìn thấy rõ ràng nhất là khi có QE1 và QE2 với việc giá vàng đạt mức 1,923 USD/oz vào tháng 9.2011 và giá dầu đạt mức trên 100 USD/thùng cho đến tận năm 2012. Năm 2011 là năm có lạm phát cao nhất ở các nước đang phát triển như Trung Quốc, Việt Nam hay Venuezela....Nhưng Fed lại quyết định tung QE3 vào tháng 9.2012. Còn tại thời điểm tháng 6.2013, giá vàng và giá dầu, cũng như nhiều lại hàng hóa tuy chưa bị vỡ tung nhưng đang trên đà đi xuống. Lạm phát ở nhiều quốc gia hạ nhiệt thì Fed lãi nói rằng muốn ngăn chặn bong bóng tài chính. Nếu như Fed thực sự quan tâm đến bong bóng tài chính, Fed đã không bơm hơn 4,400 tỷ USD trong cả 3 vòng nói lỏng mà có thể hạn chế lại. Và thậm chí, Fed không nên tung ra QE3. Bernanke, một người theo chủ nghĩa in tiền sẽ không vội vàng muốn dừng QE3 khi chưa có dấu hiệu lạm phát và nền kinh tế Mỹ thì đang trên đà phục hồi nhưng vẫn còn mong manh theo các nhận định sau đó của ông.Vấn đề chắc hẳn là do có trục trặc khác khi Fed vận hành QE3. Để hiểu lý do tại sao Fed đột ngột muốn ngưng tại QE3 chứ không phải tại QE2, chúng ta cần phải hiểu một chút về lịch sử tiền tệ và phải quay ngược vê quá khứ.

Ai đứng sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1973?

Dầu mỏ, tiền tệ và chính trị là ba khía cạnh không thể tách rời nhau chi phối những hành động thực sự của Fed. Chế độ tiền tệ hiện nay của chúng ta tuy về danh nghĩa là thả nổi nhưng thực chất được neo vào dầu mỏ, hay còn gọi hệ thống tiền tệ bản vị dầu “Petrodollar”. Đây là một sản phẩm do chính Ngoại Trưởng Henry Kissinger. Tổng Thống Nixon tạo dựng từ năm 1973 để thay thế cho hệ thống tiền tệ Bretton Wood và phá bỏ bản vị vàng. Vào thời điểm năm 1971, khi Tổng Thống Nixon phá bỏ việc neo USD vào vàng nhiều người đã đặt câu hỏi về tương lai của đồng USD. John Perkins, một sát thủ kinh tế Mỹ đã từng nói trong cuốn sách “Lời thú tội của sát thủ kinh tế”: “Dầu mỏ chính là thước đo giá trị của đồng USD”. Khác với thời điểm sau thế chiến thứ 2, nước Mỹ và Châu Âu vào tình trạng thiếu dầu và phụ thuộc vào khu vực Trung Đông.  Vào thập niên 70, Trung Đông chiếm đến 2/3 tổng trữ lượng dầu mỏ toàn cầu. Trong khi đó, dầu mỏ trở thành nguồn năng lượng chính của nền văn minh công nghiệp trong thế kỷ XX với thị phần hơn 70% trong tổng nguồn năng lượng toàn cầu chứ không còn là than đá như thế kỷ XIX. Dầu mỏ do đó, trở thành một vũ khí rất quyền lực. Nếu không có dầu mỏ, toàn bộ nền văn mình công nghiệp chỉ còn là đống sắt hoen rỉ.

Vào thời điển tháng 5.1973, theo Tiến sĩ David Spiro trong cuốn sách nổi tiếng “The Hidden Hand of American Hegemony (1999)- Bàn tay bí ẩn của đế chế Hoa Kỳ”, cho biết OPEC lúc này thảo luận về việc định giá dầu trên một rỗ tiền tệ gồm 10 quốc gia (gọi tắt G10) chứ không phải chỉ đồng USD như hiện  nay. Tuy nhiên, vào năm 1974, Nixon cùng với Henry Kissinger đã nhanh tay hơn bằng việc bắt tay với Saudi Arabia, là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất trong khối OPEC và giá bán dầu tùy thuộc rất lớn và quyết định của Saudi Arabia. Theo đó, Mỹ muốn dòng họ vua Saud của Saudi Arabia chỉ bán dầu bằng đồng USD và đổi lại Mỹ sẽ đảm bảo cho quyền lực của dòng họ Saud ở khu vực Trung Đông (bao gồm cả việc can thiệp quân sự và bán vũ khí cho quốc gia này).

Ngược lại, phía Saudi Arabia phải đồng ý với ba điều kiện: 1) Saudi Arabia sẽ đầu tư phần lớn số tiền thu được từ việc bán dầu mỏ vào các chứng khoán của chính phủ Mỹ; 2/ Số tiền lãi từ các chứng khoán của chúng phủ Mỹ mà Saudi Arabia nhận được sẽ được dùng để thuê các tập đoàn Mỹ tiến hành hiện đại hóa Saudi Arabia theo mô hình phương Tây và 3/ giá dầu sẽ nằm ở mức giá phải chăng khi bán cho các tập đoàn Mỹ. Do đó, đồng USD trong mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia được gọi là “vòng lặp Petrodollar[1]”. Dầu được bán bằng USD, và đồng USD sau đó sẽ quay trở lại về Mỹ thông qua việc mua trái phiếu chính phủ Mỹ cũng như các nhà thầu xây dựng của Mỹ. Năm 1974, Saudi Arabia đã mua 2.5 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ từ nguồn thặng dư dầu mỏ. Và ngày nay, 70% tài sản của Saudi Arabia nằm trong bảng cân đối tài sản của Fed.

Nhưng đó chỉ mới là bước đi đầu tiên. Bước tiếp theo là Mỹ cần tạo cầu cho đồng USD, tức khuyến khích các quốc gia khác dùng USD mua dầu (tất nhiên không phải bằng con đường tuyên truyền). Để làm điều này, một trong những màn kịch chính là sự phối hợp hành động của Mỹ và Saudi Arabia trong việc tạo ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1973 và 1979. Vào ngày 16.10.1973, Saudi Arabia tăng giá dầu lên 70% sau khi Ai Cập và Syria tiến hành tấn công Israel nhằm trả đũa trận chiến năm 1967. Ngay lập tức, ngày 19.10.1973, Nixon đệ trình lên quốc hội gói hỗ trợ 2.2 tỷ USD để hỗ trợ Israel. Lấy cớ này, Saudi Arabia lâp tức tăng giá dầu lên gấp 7 lần so với 4 năm trước đó và cấm vận dầu đến Mỹ. Điều này tạo ra một cuộc khủng hoảng dầu mỏ và giá dầu tăng vọt. Tuy nhiên, đây chính là điều có lợi cho Mỹ.

Lý lẽ rất đơn giản, giá dầu càng cao thì các quốc gia như Nhật, Đức, Anh, Pháp...phải cần nhiều USD hơn để mua dầu. Vì thế, Fed có quyền in nhiều USD vượt quá nhu cầu nội địa, tiến hành nhập siêu với các quốc gia này để các quốc gia khác có USD trong dự trữ ngoại hối để mua dầu. Còn các nước thuộc thế giới thứ ba, họ phải vay tiền từ IMF dưới dạng đồng USD để có tiền mua dầu. Từ đó, tạo thành thói quen trong thanh toán quốc tế và đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ và thanh toán toàn cầu như ngày hôm nay. Hệ thống petrodollar đã tạo nên nhu cầu lớn đối với các chứng khoán nợ của Mỹ.

Hiện nay, thế giới đang tiêu thụ 90 triệu thùng dầu mỗi ngày và tất cả đều phải thành toán bằng đồng USD. Vị thế của đồng USD trên toàn cầu hoàn toàn phụ thuộc vào việc dầu có còn niêm yết bằng đồng USD hay không?

Cũng chính vì hệ thống Petrodollar, và đồng USD có được bán dầu mỏ được tái đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ nên cơ chế tỷ giá của các nước vùng vịnh mà chúng ta thấy ngày nay là hệ thống tỷ giá cố định (peg).

Cái giá mà nước Mỹ phải trả đó là giai đoạn lạm phát cao vào những năm 1970 và 1980 khiến đời sống người dân khó khăn. Tuy nhiên, đổi lại nước Mỹ có một đặc quyền to lớn mà không một cường quốc nào có được là đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ và thanh toán lớn nhất. Vòng lặp Petrodollar[2] mang lại nhiều lợi ích cho nước Mỹ: (1) làm tăng cầu đối với đồng USD (2)mở rộng cung tiền mà không sợ rủi ro lạm phát hoặc phá giá đồng tiền; (3) làm tăng giá các tài sản định danh bằng đồng USD trong đó có bất động sản, (4) các nước phải tăng cường xuất khẩu hàng hóa qua mỹ để có được đồng USD, nhiều hàng hóa sẽ mang lại mức sống cao hơn cho người Mỹ (5) Tăng cầu đối với trái phiếu chính phủ Mỹ, tạo ra thanh khoản cao hơn; (6) Có thể mua dầu bằng chính đồng USD.

Vì vậy, việc Mỹ can thiệp quân sự trong suốt thập niên 80, 90 và những năm đầu thế kỷ XXI đều nhằm mục đích bảo vệ cơ chế vòng lặp Petrodollar. Dầu mỏ, đồng USD và chính trị không thể tách rời nhau trong hệ thống tiền tệ Petrodollar. Vào thập niên 80, Mỹ muốn xây dựng Saudi Arabia trở thành sen đầm trong khu vực Trung Đông để duy trì các lợi ích về dầu mỏ và mối quan hệ của đồng Petrodollar giữa Mỹ và khu vực Trung Đông.

Tuy nhiên, Iraq (quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba trong khu vực Trung Đông sau  Saudi Arabia và Iran) dưới sự trị vì của Sadam Hussein trở thành vật cản lớn của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Saddam Hussein vốn ngưỡng mộ Stalin của Liên Xô và Nasser của Ai Cập (người đã gây ra khủng hoảng kênh đào Suez vào năm 1956), và mong muốn xây dựng một đế chế Ả Rập (để thay thế cho Liên Xô bị sụp đổ vào những năm 90) làm đối trọng với Mỹ với vũ khí chiến lược là dầu mỏ.

Ngày 22.9.1980, Iraq bắt đầu tấn công tấn công Iran, là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai trong khối OPEC. Việc Iraq chọn tấn công Iran vì quốc gia này vừa lật đổ chế độ thân mỹ của vương triều Palhavi thông qua một cuộc cách mạng hồi giáo năm 1979. Nếu có Iran, Iraq sẽ hoàn toàn vượt Saudi Arabia, để trở thành người chi phối lớn nhất trong OPEC. Lúc này, Saddam Hussein sẽ có trong tay vũ khí chiến lược là dầu mỏ. Tuy nhiên, Iraq đã đánh giá thấp tiềm năng quân sự của Iran và thất bại trong cuộc chiến này.

Năm 1990, Iraq dưới sự trị vì của Sadam Hussein một lần nữa muốn xây dựng lại đế chế Ả Rập đã tấn công Cô oét, quốc gia láng giềng. Lý do là Sadam Hussein muốn có Cô oét để nâng sản lượng dầu lên mức 20% trong khối OPEC và từ đó có quyền tiếng nói lớn hơn trong việc quyết định giá bán dầu của OPEC. Tất nhiên, mục tiêu của Saddam Hussein không chỉ dừng lại ở Cô Oét mà còn toàn bộ các nước vùng vịnh. Chính vì vậy, Mỹ và liên quân đã can thiệp vào và đánh bại Iraq.

Rõ ràng, Saddam Hussein là người đang muốn phá hoại hệ thống Petrodollar của Mỹ. Ngày 24.9.2000, Sadam Hussein lên tiếng muốn giao dịch dầu bằng đồng Euro, là một đồng tiền vừa mới ra đời của liên minh Châu Âu. Sau vụ khủng bố 11.9.2001, Mỹ lập tức quy đổ cho Iraq có liên quan trong việc khủng bố nước Mỹ. Sự kiện 11.9.2001 là một bước ngoặt và cũng là lý do hoàn hảo để Mỹ can thiệp vào Trung Đông.

Ngày 20.3.2003, Mỹ và liên quân tiến hành lật đổ chế độ Sadam Hussein với cáo buộc quốc gia này có vũ khí hóa học. Tháng 12.2003, Mỹ đã bắt được Hussein nhưng sau đó không có bằng chứng rõ ràng nào về vũ khí hóa học. William R.Clark, tác giả cuốn sách “Petrodollar Warefare”, bình luận cuộc chiến Mỹ- Iraq vào năm 2003 hoàn toàn không liên quan liên quan gì đến khủng bố hay vũ khí hóa học như tuyên bố mà liên quan đến dầu mỏ. Ông gọi đó là “cuộc chiến tranh Petrodollar” vì Saddam Hussein muốn chuyển mọi thanh toán của dầu sang đồng Euro, làm tổn hại lợi ích của Mỹ.

Sự sụt giảm của dòng vốn Petrodollar là nguyên nhân Fed buộc phải tăng lãi suất đồng USD

Một trong những sự kiện làm thay đổi làm thay đổi dòng chảy của hệ thống Petrodollar đó là sự kiện “Mùa Xuân Ả Rập 2011[3]”. Khởi đầu là vào tháng 12.2010, một cuộc biểu tình ở Tunisia (cách mạng hoa nhài) đã tạo ra tình hình bất ổn và lật đổ chính phủ vào đầu năm 2011. Vào mùa Xuân năm 2011, các cuộc biểu tình đã lan rộng sang Algeria, Ai Cập, Yemen, Jordan, Mauritanie, Saudi Arabia, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Lybia và Maroc. Mục tiêu của cuộc biểu tình là phản đối tình trạng tham nhũng của chính phủ, tình trạng đói nghèo. Đặc biệt là sau khi Fed tung gói QE2, nạn đói nghèo đã diễn ra rất mạnh mẽ tại khu vực Châu Phi và Trung Đông do giá lương thực tăng cao. Cuộc biểu tình cũng để phản đối tình trạng nền kinh tế yếu ớt của các quốc gia trong khu vực vùng vịnh, đặc biệt là lợi ích của người dân trong việc hưởng lợi chế độ an sinh xã hội từ nguồn thu dầu mỏ còn ít. Mùa Xuân Ả rập có nét tương tự như cuộc cách mạng Hồi Giáo ở Iran năm 1979.

Hình 1: Thặng dư tài khoản vãng lai cho đến năm 2011

(lưu ý số liệu năm 2012 và 2013 chỉ là ước tính tại thời điểm năm 2011)

Tình trạng bất ổn xã hội là không thể chấp nhận được với các quốc gia vùng vịnh khi họ đang có thặng dư tài khoản vãng lãi khổng lồ nhờ việc giá dầu tăng cao. Biểu đồ trên cho thấy, thặng dư tài khoản vãng lai của vùng vịnh vào năm 2011 đạt cực điểm hơn 350 tỷ USD do giá dầu ở mức cao (cao hơn so với dự báo). Họ hoàn toàn có thể tái đầu tư số tiền này vào chi tiêu kinh tế trong nước hoặc thúc đẩy an sinh xã hội.

Đứng trước áp lực từ trong nước, các quốc gia vùng vịnh đã hạn chế đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ từ năm 2011. Tháng 6.2011, UAE [4]thông báo ngừng đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ viện cớ “tỷ suất sinh lợi thấp”. Nhiều quốc gia vùng vịnh bắt đầu giảm bớt đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ. Trong khi đó, Mỹ mắc kẹt trong đóng nợ công khổng lồ và tranh cãi gay gắt giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ về việc cắt giảm nợ công trong năm 2011 khiến Mỹ  không thể tăng lãi suất trái phiếu chính phủ để hút lại dòng vốn Petrodollar. Cũng trong năm 2011, việc Trung Quốc chuyển sang đa dạng hóa dòng vốn đầu tư từ quỹ dữ trữ ngoai hối hơn 3,000 tỷ USD sang khu vực ngoại vi châu Âu khiến dòng vốn đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ giảm rõ. Hệ quả, tháng 7.2011, Mỹ bị Standar Poor hạ xếp hạng tín nhiệm  xuống còn AA+ so với AAA (cao nhất)

Dấu hiệu suy giảm dòng vốn Petrodollar càng ngày càng rõ ràng. Năm 2013, Reuters [5]nhận định rằng, mùa xuân Ả Rập đang làm chệch hướng mạnh mẽ dòng chảy của đồng Petrodollar. Đồng Petrodollar của vùng vịnh đã giảm mạnh đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ mà tập trung vào chính cơ sở hạ tầng, phúc lợi của chính các quốc gia vùng vịnh. Ví dụ như Saudi Arabia, năm 2013 đã thông báo chi tiêu khủng 219 tỷ USD trong ngân sách chính phủ.

Tính trên bình diện toàn cầu, đến năm 2014 (xem hình 2), lần đầu tiên trong 18 năm, xuất khẩu đồng Petrodollar đến Mỹ bị âm. Đây thực sự là một thách thức lớn cho cơ chế Petrodollar của Mỹ. Vì 55% nguồn vốn chảy ra khỏi GCC (Gulf Cooperation Council) gồm Bahrain, Cô Oét, Oman, Qatar, Saudi Arabia và UAE là đến Mỹ từ năm 2002-2006, 18% còn lại đến từ Châu ÂU, 11% đến từ Châu Á và 11% là các quốc gia còn lại ở Trung Đông và Bắc Phi.

Hình 2: Xuất khẩu Đồng Petrodollar  âm lần đầu tiên trong 18 năm.
 


 Không còn dòng chảy của đồng Petrodollar là một trong những thách thức vị trí thống trị của đồng USD.Vì nếu như các quốc gia không tái đầu tư dòng tiền vào trái phiếu chính phủ Mỹ, sẽ làm sụt giảm thanh khoản đối với nước Mỹ, các thị trường tài chính sẽ bị suy yếu. Ngoài ra nó sẽ làm giảm sự phụ thuộc của khối OPEC vào Mỹ hay với đồng USD. Không có dòng vốn Petrodollar[6], khả năng in tiền của Fed sẽ bị suy yếu.
Đây là một lý do đằng sau tại sao Fed[7] phải chuẩn bị cho việc dừng QE3 từ giữa tháng 6.2013 vì lúc này các dấu hiệu sụt giảm của dòng vốn Petrodollar là rất rõ. Đồng thời, Fed cần tăng lãi suất đồng USD và cả trái phiếu chính phủ Mỹ nếu như muốn hút trở lại dòng vốn Petrodollar.

Cuộc chiến dầu mỏ và hệ thống vòng lặp Petrodollar

Năm 2014, Mỹ và Saudi Arabia tiến hành một cuộc chiến tranh dầu mỏ nhằm tồn hại nền kinh tế của Iran và Nga. Thực tế, đồng ruble của Nga đã giảm hơn 50% trong năm 2014 so với đồng USD khi giá dầu sụt giảm vì 40% nguồn thu của chính phủ Nga đến từ dầu và khí đốt. Tuy nhiên, cuộc chiến dầu mỏ là con dao hai lưỡi. Nền kinh tế Nga vẫn chưa bị sụp đổ hoàn toàn và Putin vẫn trụ vững.

Trong khi đó, nước Mỹ và Saudi Arabia cũng bắt đầu thấm đòn trong cuộc chiến này.
Biểu đồ 2 cho thấy, CIS (Cộng Đồng các quốc gia độc lập)  là Nga và các nước thuộc liên bang xô cũ trước đây đã không còn tái đầu tư đồng USD vào trái phiếu chính phủ Mỹ nữa. Đây là hệ quả của cuộc chiến dầu mỏ. Theo Bloomberg[8], Nga đã sử dụng 88 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong năm 2014 để chuyển đổi sang đồng Ruble nhằm bảo vệ giá trị của đồng Ruble. Điều này có nghĩa Mỹ đã mất đi một dòng tiền từ Nga.

Giá dầu ở mức thấp cũng gây ra tại hại cho hệ thống Petrodollar vì các quốc gia dầu mỏ không còn nhiều nguồn tiền để tái đầu tư vào Mỹ. Trong khi đó, hệ quả của phong trào mùa xuân Ả Rập buộc các quốc gia phải tăng chi cho trong nước. Điều này thấy rõ đối với Saudi Arabia.  Saudi Arabia [9] đang dự báo có mức thấp hụt ngân sách kỷ lục 17.5% GDP trong năm 2015 nếu giá dầu dưới 60 USD/thùng, cao hơn rất nhiều so với mức thâm hụt 2.3% GDP trong năm 2014. Saudi Arabia cũng chứng khiến làn sóng rút vốn gần 8% GDP trong năm 2015. Dòng vốn đã rút đi khỏi Saudi Arabia từ năm 2011 khi bắt đầu có Mùa Xuân Ả Rập.

Sau mùa xuân Ả Rập, chính phủ Saudi Arabia buộc phải tăng chi tiêu tăng vì chính phủ phải tăng chi cho quốc phòng nhằm đảm bảo quyền lực chính phủ, chi tiêu an nình xả hội. Theo ước tính của Reuters, giá dầu cần ở mức 80 USD/thùng để giúp các quốc gia vùng vịnh có được cân bằng ngân sách. Saudi Arabia đã chuyển từ thặng dư tài khoản vãng lai sang thâm hụt tài khoản vãng lai trong năm 2014.

Hình 3: Dự báo Saudi Arabia sẽ chuyển sang thâm hụt tài khoản vàng lãi và thâm hụt ngân sách lớn.

Như vậy, trong cuộc chiến dầu mỏ này cả hai bên đều chịu thiệt hại.

Nguy cơ sụp đổ hệ thống vòng lặp Petrodollar từ phản kháng của Nga và Trung Quốc

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga và Trung Quốc đang có nhiều chiêu đòn đối với Mỹ sau cuộc chiến dầu mỏ. Thứ nhất, Putin đang muốn bán dầu bằng Ruble thay vì đồng USD như trước. Thực tế này là hoàn toàn khả thi. Sau khi bị Mỹ cấm vận, lần đầu tiên Nga vượt Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc có thể đồng ý với Nga để giao dịch dầu bằng đồng Ruble và hoàn toàn khả thi khi nhóm BRICS đang có một hệ thống ngân hàng riêng.

Putin đang có nhiều kế hoạch khác. Theo đó[10], Putin đang chuẩn bị thông qua một đạo luật khuyến khích các quốc gia thuộc CIS không sử dụng USD trong thanh toán.
Nhóm BRICS[11] đã có được một ngân hàng thế giới của riêng họ vào năm 2014. Thậm chí, nước Đức[12] khi đang nhìn thấy sự sụp đổ của đồng USD đang muốn gia nhập vào hệ thống ngân hàng BRICS.

Bản thân Trung Quôc cũng đã thúc đẩy việc thành lập hệ thống ngân hàng AIIB (Asian Infrastructure Investment Bank) hỗ trợ cho việc thanh toán ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương vào tháng 6.2015. AIIB sẽ là đối thủ của IMF là sản phẩm của Mỹ ở Phương Tây.


Vì vậy, nước Mỹ đang nhìn thấy sức ép rõ ràng hơn từ Trung Quốc và Nga. Nếu muốn khôi phục lại vị thế của đồng USD, Mỹ phải tăng lãi suất đồng USD, hút trở lại dòng vốn Petrodollar.

Nhưng Fed e ngại tác hại của đồng USD tăng giá

Tuy nhiên, mọi thứ không phải dễ dàng cho FED. Bởi vì giờ đây, FED đang đối mặt với hàng   vấn đề khi đồng USD tăng giá.Theo Graham Summer, Trưởng bộ phân chiến lược thị trường của Phoenix Capital Reseach, có một số lý do mà Fed phải e ngại khi muốn tăng lãi suất

-       Hơn 9,000 tỷ USD trong Carry Trade đồng USD, lớn hơn cả nền kinh tế Đức và Nhật Bản cộng lại. Đây là số tiền mà các trader đã vay bằng đồng USD để đầu tư vào các tài sản khác. Khi bạn vay bằng đồng USD có nghĩa bạn đang bán khống nó. Nếu Fed tăng lãi suất, sẽ có làn sóng chuyển dịch từ đồng Yên hoặc Euro sang đồng USD. Điều này sẽ tạo ra rủi ro hệ thống.

- Có hơn 156 nghìn tỷ USD các chứng khoán phải sinh dựa trên lãi suất đang nằm trên bảng cân đối tài sản của các ngân hàng lớn. Nếu tăng lãi suất sẽ làm tăng gánh nặng nợ nần của các ngân hàng và thậm chí thổi bay luôn vốn cổ phần của các ngân hàng.

- Trung Quốc đang hạ cánh cứng. Quỹ tiền tệ IMF cảnh báo việc Fed thắt chặt lãi suất sẽ tạo ra rủi ro lớn cho kinh tế toàn cầu.

- Nền kinh tế Mỹ chưa đạt dược tỷ lệ thất nghiệp toàn dụng. Trong tháng gần nhất, các số liêu việc làm cũng rất mâu thuẫn. Trong khi số nhân công được tuyển thêm trong tháng 8 chỉ là 173,000 thấp hơn so với các tháng trước thì tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 5.1%. Điều này là do Tỷ lệ tham gia lao động thấp nhất trong vòng 25 năm qua khiến các số liệu việc làm bị méo mó.
Hình 4: Tình hình việc làm Mỹ

-         Nỗi ám ảnh năm 1937, Cách đây gần 80 năm, Fed đã từng tăng lãi suất và gây ra một cuộc suy thoái. Do đó, Fed không muốn lịch sử lại tái diễn.

- Cuộc bầu cữ tổng thống Mỹ 2016 chuẩn bị diễn ra. Yellen hẳn sẽ không muốn đụng độ với vị Tổng Thống mới. Hiện nay, Donald Trump đang có rất nhiều triển vọng và đang công kích mạnh mẽ vào vấn đề việc làm của Mỹ.

- Giá hàng hóa đang ở mức thấp và đồng USD mạnh sẽ khiến cho tình trạng giảm phát càng thêm trầm trọng. Đặc biệt là tình hình giá năng lượng. Nếu USD mạnh lên chắc hẳn sẽ làm giá dầu đi xuống sẽ làm tổn hại đến nguồn thu của các quốc gia Trung Đông. Đây là lý do mà Fed từng nói, “cân nhắc đến việc ổn định giá năng lượng trước khi tăng lãi suất”.

- Đồng USD mạnh sẽ làm giá dầu thấp cũng làm tổn hại đến ngành khai thác dầu đá phiến Mỹ còn non trẻ của Mỹ. Mỹ muốn thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng của khu vực Trung Đông bằng cách thúc đẩy nguồn cung từ dầu đá phiến. Nhưng thực tế thì cả Saudi Arabia và Mỹ đang rơi vào một cuộc chiến mà hai bên đều tổn thất. Theo Reuters, hiện nay, chi phí khai thác dầu của Saudi Arabia chỉ xấp xỉ khoảng 20 USD/thùng, các nước còn lại trong khu vực Trung Đông khoảng 24 USD/thùng, Nga khoảng 26 USD/thùng trong khi đó chi phí khai thác dầu đá phiến Mỹ đang ở mức trung bình 40-50 USD/thùng. Thực tế cho thấy, trong nửa đầu năm 2015, hơn 2/3 số dàn khoan khái thác dầu của Mỹ phải ngừng hoạt động (giảm từ 1,600 xuống hờn khoảng gần 650 dàn khoan). Điều tồi tệ hơn, theo phân tích của The Economist[13], cấu trúc tài chính của các công ty khai thác dầu đá phiến Mỹ đang rất yếu, sự mạnh lên của đồng USD sẽ làm tăng gánh nặng nợ nần và tạo ra làn sóng phá sản các công ty khái thác dầu đá phiến.

- Thị trường chứng khoán toàn cầu từ Trung Quốc cho đến Mỹ đang rất hoảng loạn. Việc tăng lãi suất USD sẽ khiến cho TTCK toàn cầu tổn thương.

Vì vậy, việc cứu đồng USD không phải là nhiệm vụ dễ dàng cho FED vào lúc này. FED đang buộc phải tăng lãi suất đồng USD nhưng họ phải cân nhắc rất nhiều yếu tố bất lợi trước khi hành động. Vấn đề chỉ là thời điểm mà thôi.
Trương Minh Huy
Tài liệu tham khảo
1/ Dầu mỏ, tiền bạc và quyển lực: Daniel Yergin
2/ “The Hidden Hand of American Hegemony (1999)- Bàn tay bí ẩn của đế chế Hoa Kỳ” ,Tiến sĩ David Spiro
3/ Lời thú tội của sát thủ kinh tế, John Perkin
4/ “Petrodollar Warefare”, William R.Clark.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét