Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Chủ đề: CHIẾN TRANH TIỀN TỆ DẪN ĐẾN CUỘC SUY THOÁI TOÀN CẦU? Kỳ 1: Có hay không cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn phiên bản Trung Quốc

Huy đang có loạt bài đăng trên báo đầu tư tài chính về chủ đề "Chiến Tranh Tiền Tệ". Tuy nhiên, có vẻ như anh Trần Hải biên tập không rành lắm về vấn đề này nên khi biên tập làm phát sinh nhiều vấn đề. Vì vậy, Huy trích đăng nguyên bản bài gốc gửi cho Tòa Soạn để các bạn đọc và đối chiếu.

Cuộc chiến Tranh Tiền tệ lần 3 hiện tại có thể phân ra làm hai giai đoạn. Giai đoạn 2010-2011 là giai đoạn đồng USD yếu và giai đoạn từ 2011 tới nay là giai đoạn USD mạnh lên. Mỗi một giai đoạn của đồng USD, có một hệ quả riêng. Tuy  nhiên, sau khi biên tập thì trộn lẫn với nhau.

Hoặc nội dung chính thảo luận về Trung Quốc phá giá tiền tệ không được đưa vào.

Link bài trên báo Đầu Tư Tài Chính:

Bản Gốc ở đây




Việc Trung Quốc phá giá hơn 4% đồng nhân dân tệ (NDT) trong 3 ngày 11.8 đến 13.8 đã khiến nhiều người lo ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ sẽ leo thang.  Tuy nhiên, đây chỉ là một diễn biến trong cuộc chiến tranh tiền tệ lần thứ 3 nổ ra từ năm 2010. Để có được góc nhìn toàn cảnh về sự kiện này, tôi sẽ phân tích nguồn gốc của chiến tranh tiền tệ lần 3, hướng đi tiếp theo của cuộc chiến tranh tiền tệ và hệ quả của nó.

Tam Quốc đại chiến: Góc nhìn toàn cảnh về chiến tranh tiền tệ lần 3.

Cuộc chiến tranh tiền tệ lần thứ 3 được xem là bắt đầu từ năm 2010. Bộ Trưởng Tài Chính Brazil, Ông Guido Mantega nói vào tháng 9.2010 rằng: “Chiến Tranh tiền tệ toàn cầu đã bắt đầu”…”Đồng tiền của các ông nhưng vấn đề là của chúng tôi”. Khi Fed in tiền ồ ạt bởi các chương trình nới lỏng định lượng, Brazil đã chịu tổn thất nặng nề khi đồng Real tăng giá gần 40% trong năm 2009-2010. Brazil không có thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối khổng lồ như Trung Quốc nên phải vất vả giữa hai lựa chọn: Lạm phát cao và tăng giá đồng nội tệ. Công ty Nomura Global Economis nói rằng: “Brazil là kẻ thua cuộc lớn nhất trong cuộc chiến tranh tiền tệ”. Tờ Wall Street Journal đăng bài vào tháng 4.2011 nói rằng: “Brazill đang vẫy cờ trắng trong cuộc chiến tranh tiền tệ”.

Nhưng Brazil chỉ là vùng ngoại vi trong cuộc chiến tranh tiền tệ. Cuộc chiến thực sự diễn ra giữa ba bên Trung Quốc-Mỹ; Mỹ-EU và EU-Trung Quốc bởi đây là ba khu vực kinh tế chiếm đến 60% GDP của toàn cầu. Tất nhiên, cuộc chiến tranh tiền tệ lần 3 mang tính chất toàn cầu và nổ ra ổ mọi nơi như Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản….nhưng các quốc gia này có thể xem như là vùng ngoại vi bởi quy mô nền kinh tế vẫn thấp hơn so với Mỹ, Trung Quốc, EU.

Tâm điểm chiến tranh tiền tệ lần 3 là cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ. Mặc dù chính thức thì cuộc chiến tranh tiền tệ lần 3 diễn vào năm 2010 nhưng nguồn gốc của nó đã diễn ra từ những năm 1990, bắt đầu từ sự trỗi dậy của Trung Quốc sau ¼ thế kỷ chìm đắm trong nền kinh tế kế hoạch. Sau sự kiện Thiên An Môn vào năm 1989, mục tiêu của của Trung Quốc là tăng trưởng và việc làm thay vì sự ổn định theo chính sách gọi là “thép, gạo, ăn uống”. Điều này giúp chúng ta hiểu tại sao Trung Quốc không bao giờ từ bỏ việc thao túng tỷ giá, là phương tiện để đạt mục tiêu việc làm. Vào ngày 1.1.1994, Trung Quốc thông báo một hệ thống cải cách trong thị trường ngoại hối và tiến hành phá giá mạnh 38% và ở  mức 8.7 NDT đổi 1 USD . Cú sốc này khiến Bộ Tài Chính Mỹ lên án rằng Trung Quốc là “kẻ thao túng”theo Đạo Luật Thương Mại 1998, theo đó cho phép Bộ Tài Chính loại bỏ những quốc gia sử dụng tỷ giá để giành lợi thế không công bằng trong thương mại quốc tế. Mãi cho đến tháng 7. 2005, Trung Quốc mới bỏ neo buộc tỷ giá vào đồng USD và cho phép biến động trong biên độ 2%.

Mỹ tất nhiên cũng quan tâm đến vấn đề việc làm. Bong bóng dot.com năm 2000 và nợ dưới chuẩn năm 2008, khiến cho số người thất nghiệp của Mỹ tăng lên. Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ tăng từ mức 6% vào cuối năm 2002 lên mức 9.9% vào năm 2009. Nỗi e sợ  giảm phát, khiến Fed duy trì mức chính sách lãi suất thấp lâu hơn so với bình thường trong cả hai đợt đổ vỡ. Lãi suất liên bang giảm hơn 4.75% từ tháng 7/2000 đến tháng 7/2002. Cho đến năm 2004, lãi suất liên bang vẫn ở mức thấp 1.76%, tương đương với tháng 7/2002. Hệ quả của 5 năm duy trì lãi suất thấp là một quả bom nợ dưới chuẩn vào năm 2008. Lần này, Fed phải duy trì mức lãi suất 0% trong suốt hơn 7 năm qua. Với 3 vòng nới lỏng định lượng (QE) chưa từng có trong tiền lệ từ 2008-2014, Fed đã bơm ra 4,400 tỷ USD và khiến báo chí Mỹ gọi Bernanke là “máy in tiền”. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống mức còn 5.9% vào tháng 1.2015.

Nỗi ám ảnh giảm phát của người Mỹ và e sợ bất ổn chính trị tại Trung Quốc là lý do cuộc chiến Trung- Mỹ trở nên dai dẳng suốt 3 thập niên qua. Cả hai quốc gia đều cố gắng phá giá tạo lợi thế cạnh tranh nhằm giải quyết nhu cầu việc làm trong nước.

Nhưng cuộc chiến tranh tiền tệ lần 3 giống như câu chuyện “Tam Quốc Chiến” giữa ba bên là Trung Quốc- Mỹ-Eurozone. Trong khi Mỹ và Trung Quốc tồn tại mối quan hệ đối kháng, Mỹ và Eurozone nói chung “cùng hội cùng thuyền” vì mối liên quan chặt chẽ trong thị trường tài chính.

Việc người Mỹ tung ra gói QE2 vào tháng 11.2010 không chỉ lý do vì do của riêng họ mà còn là sự phối hợp với khu vực Eurozone trong việc duy trì sự an toàn hệ thống tiền tệ toàn cầu. Cuộc khủng hoảng nợ vào năm 2010 khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng tan biến của đồng Euro. Sự lo sợ sụp đổ của đồng Euro khiến Eurozone không dám mở QE.

Nhưng cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn đồng Euro tan vỡ. Mỹ và Trung Quốc cần đồng Euro tăng giá để giành lấy lợi thế xuất khẩu. Chính vì vậy, Mỹ tung ra QE2 để cứu đồng Euro ngay sau khi cuộc khủng hoảng nợ công 2010 nổ ra vào tháng 5.2010. Vì vậy, có một thực tế là đồng Euro gần như không đổi trong suốt năm 2007-2011, khi giao dịch ở quanh mức 1.3 USD/ EUR. Thậm chí ở giai đoạn 2010-2011, đồng Euro lại còn tăng giá trong bối cảnh nghi ngờ sự tan vỡ của khối Eurozone. Trong khi đó, Trung Quốc tích cực mua lại tài sản tài chính của các quốc gia ngoại vi Châu Âu như là một động thái làm đa dạng hóa kênh đầu tư vốn đã quá tập trung vào trái phiếu Mỹ và hỗ trợ cho Châu Âu.

James Rickards nhận thấy giữa Eurozone và Mỹ tồn tại mối quan hệ cộng sinh và hỗ trợ nhau rất lớn bên cạnh sự cạnh tranh vì lợi ích riêng. Khi đồng tiền nào đứng trước nguy cơ mất giá, hoặc thậm chí là mất niềm tin về khả năng tồn tại, bên còn lại sẽ đóng vai trò hỗ trợ.

Cuộc chiến giữa ba ông lớn tạo đã tạo ra ảnh hưởng rộng khắp toàn cầu. Năm 2010-2011, sự mất giá của đồng USD bởi QE2 khiến giá hàng hóa tăng vọt. Một số quốc gia như ở Trung Quốc, Việt Nam, Venuzuela bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao. Trong khi đó, các nước mới nổi khác như Nga, Brazil bị dòng vốn đổ vào khiến đồng nôi tệ tăng giá rất mạnh, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Động thái của Fed năm 2010, là một dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến tranh tiền tệ vì nó khiến cho các quốc gia phát triển khác phải vào cuộc.

Vào tháng 10.2010, Chương trình QE của Nhật Bản được mở rộng lên 5,000 tỷ Yên để giảm bớt ảnh hưởng của QE2 của Mỹ. Sau đó mở rộng  lên 45,000 tỷ Yên vào tháng 10.2011 và 70,000 tỷ yên vào tháng 4.2013. Đến tháng 10.2014, ngay sau khi Fed kết thúc QE3, Nhật Bản tiếp tục mở rộng lên mức 80,000 tỷ yên (khoảng 724 tỷ USD). Đi kèm với các gói QE là chương trình kích cầu theo Abenomics từ tháng 11.2012. Trong khi đó, Anh Quốc mở rộng gói QE vào tháng 10.2011, nâng tổng tài sản mua vào đạt 275 tỷ USD. Và đến tháng 7.2012, Anh đã mua vào lượng tài sản tổng cộng 375 tỷ USD.

Sự mở rộng gói QE của Nhật và Anh vào năm 2011 đã làm chặn lại đà giảm của đồng USD. Giá hàng hóa toàn cầu sụt giảm với việc giá vàng lập đỉnh 1,923 USD/oz vào tháng 9.2011. Chính sách QE của các quốc gia như Mỹ, Anh và Nhật làm thay đổi xu hướng của dòng vốn quốc tế. Sự trồi sụt của thị trường chứng khoán các quốc gia mới nổi và cận biên đang tùy thuộc rất lớn vào dòng vốn này. Theo ước tính của NN Investment Partner, khoảng 22,000 tỷ USD đã chảy vào 15 quốc gia mới nổi từ tháng 7.2009 đến tháng 6.2015, đẩy thị trường chứng khoán các quốc gia này tăng giá. Trong đó, xu hướng nhận thấy, phần lớn dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi vào năm 2010-2011. Tuy nhiên, từ năm 2012-2013, một số quốc gia cận biên đón được làn sóng vốn di chuyển từ các quốc gia mới nổi như Việt Nam và các quốc gia vùng vịnh do hoạt động Carry Trade vì chênh lệch lãi suất cao để lại từ thời lạm phát cao 2011.

Sau 3 năm đứng ngoài chiến tranh tiền tệ, ngày 22.1.2015, Eurozone bất ngờ thông báo trở lại với chính sách QE với việc mua vào 60 tỷ Euro mỗi tháng trái phiếu chính phủ các quốc gia Eurozone. Chương trình này được bắt đầu vào tháng 3.2015 và dự kiến đến tháng 9.2016, với tổng mức mua vào trị giá khoảng 1,100 tỷ Euro.

Nhưng trước khi Eurozone tham chiến, “động thái đi trước” của Thụy Sĩ khiến thị trường tiền tệ thế giới chao đảo. Thụy Sĩ trở thành nơi trú ẩn của dòng vốn quốc tế từ năm 2011 khi các quốc gia Nhật, Anh, Mỹ liên tục nới lỏng tiền tệ trong khi đồng Euro đứng trước nguy cơ tan vỡ. Sự mạnh lên của đồng Franc Thụy Sĩ khiến quốc gia này phải can thiệp tiền tệ nhằm giảm bớt ảnh hưởng đến xuất khẩu. Lo ngại bị ảnh hưởng của việc Eurozone nới lỏng tiền tệ, Thụy Sĩ đã đón trước bằng việc bỏ mức sàn tỷ giá EUR/CHF ở mức 1.2 vốn duy trì trong suốt 3 năm qua. Sự kiện khiến đồng CHF mất giá 40% so với EUR chỉ trong 1 ngày. Các định chế tài chính như Barclay, Ngân hàng Citigroup và Deutsche Bank đã mất hơn 150 triệu USD trong bối cảnh hỗn loạn của thị trường. Các sàn giao dịch Forex bị đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Đồng Euro thậm chí có lúc đưa vào danh sách hạn chế giao dịch.

Sự thực đằng sau việc phá giá tiền tệ của Trung Quốc?

Việc Fed, người khởi xướng chiến tranh tiền tệ lần 3, kết thúc QE vào tháng 10.2014 không đồng nghĩa là cuộc chiến kết thúc, mà lại mở ra màn kịch mới.

Chiến Tranh tiền tệ, không phải là cuộc chơi của những quốc gia nhỏ, luôn phải chật vật đối phó với những thay đổi chính sách của FED và các nước lớn. Cần phải hiểu rằng, bị bán phá giá đồng tiền do nguy cơ đảo ngược dòng vốn và chủ động phá giá để tạo lợi thế cạnh tranh là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Kể từ đáy giữa năm 2011, đồng USD đã mạnh lên khoảng hơn 30% so với các cặp tiền tệ chủ chốt và còn lớn hơn so với nhiều đồng tiền của các quốc gia mới nổi.  Một thảm họa mới lại xuất hiện: Nguy cơ đảo ngược dòng vốn ở các quốc gia mới nổi và dòng tiền trở lại về Mỹ.

Việc Fed duy trì lãi suất thấp kỷ lục trong suốt 7  năm qua đã khiến cho quả bom nợ toàn cầu tăng lên. Theo báo cáo của Mc Kinsey Global Institute vào tháng 2.2015, tổng nợ toàn cầu đã tăng lên 40% so với năm 2007 lên mức 199 nghìn tỷ USD. Tỷ lệ nợ/GDP toàn cầu năm 2014 là 286% so với 269% vào thời điểm năm 2007 do tăng trưởng GDP không theo kịp tăng trưởng nợ. Đồng USD rẻ đã khiến cho đòn bẩy tài chính của các quốc gia, doanh nghiệp bị tăng lên và họ thấm đòn khi đồng USD mạnh trở lại.

Brazil một lần nữa là một ví dụ điển hình. Đồng Real đã mất giá tới hơn 40% so với đồng USD từ tháng 9.2014 đến tháng 7.2015 khi xếp hạng tín nhiệm của quốc gia này bị hạ. Chưa đầy 1 năm, giá trị các khoản nợ của Brazil đã tăng thêm 1/3 bởi đồng nội tệ mất giá. Các công ty mía đường, ngành xuất khẩu mũi nhọn của Brazil bị tổn thương nghiêm trọng khi đồng USD mạnh. Nhiều doanh nghiệp đường bị phá sản kéo theo giá đường thế giới giảm mạnh.

Brazil không phải là câu chuyện duy nhất. Đồng nội tệ của hàng loạt các quốc gia ở Châu Á như Malaysia, Ấn Độ, Hàn Quốc... sụt giảm mạnh khi dòng vốn rút đi. Dòng vốn rút khỏi 15 nền kinh tế mới nổi là khoảng 600 tỷ USD trong quý 1.2015 theo ước tính của NN Invest Patners.

Thậm chí ngay cả Trung Quốc cũng đứng trước thực tế  đảo ngược dòng vốn. Tờ Telegraph cho biết, trước khi Trung Quốc diễn ra đổ vỡ chứng khoán vào tháng 6.2015, lượng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc là 800 tỷ USD trong vòng 1 năm trước đó. Một con số thực sự lớn cho dù Trung Quốc có đến 4,000 tỷ USD dự trữ ngoại hối.

Hình 1: Lượng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc

Trung Quốc có thể đang trên đường hạ cánh cứng. Từ năm 2012, sau khi nền kinh tế lao đao bởi lạm phát do Mỹ gây ra vào năm 2011, Trung Quốc phải tung ra các gói kích cầu nhỏ hơn như 157 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế. Vào tháng 9.2014, Trung Quốc có một gói nhỏ hơn 81 tỷ USD. Đồng thời, Trung Quốc đã mở rộng cung tiền và tín dụng quá mức để hỗ trợ cho nền kinh tế. Hơn 21,800 tỷ USD lượng tiền M2 (gấp 5 lần dự trữ ngoại hối) đã bơm ra nền kinh tế cho đến tháng 8.2015, tức đã tăng hơn 2.3 lần so với thời điểm cuối năm 2009. Tăng trưởng tín dụng/GDP đạt mức 282%, cao hơn so với Mỹ và mức chuẩn thông thường của các thị trường mới nổi khác (chỉ khoảng 187%).

Tuy nhiên, bơm nhiều tiền vào hệ thống nhưng lại mất khả năng kiểm soát khiến cho dòng tiền hoàn toàn có thể chảy sai mục đích. Theo McKinsey Global Institute, hệ thống ngân hàng ngầm (Shadow Banking), thực sự mới là yếu tố kiểm soát tín dụng của Trung Quốc. Lượng vốn cho vay bởi hệ thống ngân hàng ngầm còn lớn hơn cả lượng vốn cho vay chính thức. Đặc biệt là chất lượng thực sự của các công cụ như “Trust Product[1]”  hoặc “Wealth Management Products- (WMP), là công cụ để cung cấp tín dụng của ngân hàng ngầm và  một hình thức đầu tư đang thịnh hành ở Trung Quốc, đang bị nghi ngờ kém chất lượng. WMP là các tài sản ngoại bảng cân đối kế toán của ngân hàng và không hề bị kiểm soát bởi ngân hàng trung ương trong vấn đề tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay các tiêu chí đánh giá rủi ro. Rất có thể các WMP chứa đựng các khoản nợ dưới chuẩn giống như các CDO của Mỹ vào năm 2007. [Xem thêm về Curreycy wars tại buổi hội thảo cho VFA tổ chức vào ngày 4.4.2015]

Việc Trung Quốc tung ra chương trình gọi là “QE phiên bản Trung Quốc” trước đó thực chất là các gói tín dụng nhỏ dành cho các đối tượng cho vay có rủi ro cao hoặc khó tiếp cận vốn ngân hàng. Đây thường là các nông dân, các hộ kinh doanh nhỏ, những người vì thế đã có nguồn tiền dồi dào và háo hức tham gia vào cơn sốt chứng khoán từ cuối năm 2014 đến tháng 6.2015.

Cho vay nhiều cộng với mất kiểm soát, có thể là lý do để tạo ra cái bong bóng chứng khoán khổng lồ vào đầu năm 2015. Sự sụp đổ của TTCK Trung Quốc là điềm báo cho sự tháo chạy của dòng vốn khi nơi đầu tư cuối cùng của nền kinh tế Trung Quốc không còn sinh lợi nữa.

Do đó, việc Trung Quốc phá giá tiền tệ hơn 4% trong giữa tháng 8 chưa hẳn là quốc gia này chủ động nhằm đối phó với làn sóng giảm giá đồng nội tệ, hay cố gắng giành lợi thế cạnh tranh như trước đây. Mặc dù nhìn bề ngoài có thể là hợp lý khi xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm 8% trước khi tiến hành phá giá NDT nhưng thực tế hành động vừa qua đang cho thấy nguy cơ khủng hoảng nợ dưới chuẩn có thế xuất hiện tại Trung Quốc. Dòng vốn đã tháo chạy, và việc Trung Quốc phá giá tiền tệ có thể chỉ là cái cớ để che đậy.

Nếu điều này là thực tế, Trung Quốc đơn giản chỉ là nạn nhân tiếp theo trong cuộc chiến tranh tiền tệ mà Mỹ tạo ra bằng sách lược: Đồng USD mạnh lên.
Trương Minh Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét