Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

ĐỪNG ẢO TƯỞNG DỰ BÁO MIỄN PHÍ


Căn bệnh tự tin của giới chuyên gia tài chính: Ảo tưởng kiểm soát “Thiên Nga Đen”

“Thiên Nga Đen” không còn là khái niệm mới mẻ trong gần 10 năm trở lại khi được trích dẫn rất nhiều trong giới học thuật và nhà đầu tư. Tất nhiên, tôi không muốn nói đến bộ phim Thiên Nga Đen của đạo diễn Darren Aronofsky giúp diễn viên Natalie Portman dành giải Oscar, mà là “Thiên Nga đen” như là một khái niệm ám chỉ những biến cố hiếm hoi nhưng lại để lại hậu quả vô cùng lớn.

Nassim Nicholas Taleb, một nhà môi giới chứng khoán và cũng là chuyên gia về xác suất, đã đưa ra khái niệm “Thiên Nga Đen” trong một cuốn sách cùng tên vào năm 2007. Thiên Nga Đen được định nghĩa là “ một biến cố hiếm hoi nhưng khi xảy ra lại tạo ra hệ quả vô cùng lớn. Và sau khi xảy ra, con người có thể dựng ra hàng trăm câu chuyện để giải thích nó”. Thiên Nga Đen không chỉ xuất hiện trong tự nhiên mà còn trong lĩnh vực kinh tế, xã hội bao gồm thị trường tài chính. Các sự kiện Thiên Nga Đen như: Khủng bố 11.9; Khủng hoảng nợ dưới chuẩn 2007; Thảm hoạt động đất sóng thần-hạt nhận ở Nhật Bản vào năm 2011; Dịch bệnh Ebola...


Điểm mấu chốt của Thiên Nga Đen và tại sao Thiên Nga Đen lại có sức tàn phá khủng khiếp trên thị trường tài chính là vì con người luôn đang đánh giá thấp tính ngẫu nhiên. Đặc biệt là giới chuyên gia thường mắc chứng “ngụy biện” rất giỏi khi Thiên Nga Đen xảy ra khiến chúng ta có cảm tưởng như Thiên Nga Đen có thể dự báo trước. Hoặc là chúng ta có niềm tin sẽ ngăn chặn một sự kiện tương tự khi chúng ta hiểu ra nguyên nhân xuất hiện chúng.

Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy căn bệnh tự tin xuất hiện ở giới chuyện gia tài chính. Daniel Kahneman (2014) trong cuốn sách “Tư duy nhanh và chậm” đã trích dẫn một nghiên cứu của các giáo sư thuộc đại học Duke về việc khảo sát dự báo của các CFO (Giám Đốc Tài Chính) về lợi nhuận của các công ty thuộc chỉ số SP500. Mặc dù kết quả dự báo vô cùng tệ hại nhưng có đến 67% chuyên gia tin rằng, dự đoán của họ sẽ chính xác hoặc có mức độ tin cậy cao.

Sự lây lan niềm tin của giới chuyên gia về ảo tưởng kiểm soát Thiên Nga Đen đến cộng đồng đầu tư và toàn xã hội vì chúng ta luôn có niềm tin vào tri thức. Các chuyên gia tài chính là những người có học vị cao trong các trường đại học, cũng như được gắn trên mình các nhãn hiệu MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh), CFA (chứng chỉ phân tích tài chính chuyên nghiệp)...Còn bản thân các dự báo, nó luôn được xuất hiện với dáng vẻ khoa học, hoặc là kết quả của hàng loạt phương trình, công thức phức tạp mà ít khi các nhà đầu tư có thể hiểu được (trừ các chuyên gia). Vì thế, khi các chuyên gia tài chính đưa ra hàng ngàn dự báo, kế hoạch tương lai, cộng đồng đầu tư ít khi phản đối.

Nhưng thực tế, chúng ta thường thất bại trước Thiên Nga Đen, gần như không thể dự báo nó và các sự kiện Thiên Nga Đen liên tục tái diễn. Điều này đúng ở trong tất cả lĩnh vực từ tự nhiên cho đến kinh tế xã hội. Thảm họa kép về động đất sóng thần và hạt nhân ở Fukushima (Nhật Bản) vào năm 2011 vẫn diễn ra dù trước đó chúng ta có thảm Chernobyl vào năm 1986. Mặc dù chúng ta đã nâng cao tất cả các tiêu chuẩn an toàn để các nhà máy điện hạt nhân trở nên an toàn hơn nhưng rốt cục vẫn xảy ra sự cố. Có lẽ vì Tự Nhiên đã tạo ra một vụ động đất vượt ngoài dự tính của con người. Hoặc vì một con chuột nào đó chết một cách vô duyên trên bảng điều khiển và gây ra mất nguồn điện, ảnh hưởng đến hệ thống bơm làm mát của lò hạt nhân theo kết quả điều ra của TEPCO vào tháng 3.2013. Có lẽ, con chuột chết đó là Thiên Nga Đen mà không một nhà hoạch định nào có thể tưởng tượng ra.

Trên thị trường tài chính, có vô số cuộc khủng hoảng lớn nhỏ trong suốt hơn 400 năm qua (kể từ khi các thị trường tài chính sơ khai hình thành) và chúng ta cũng đúc kết được vô số bài học. Trước khi diễn ra cuộc sụp đổ nợ dưới chuẩn 2007, Alan Greenspan, nguyên chủ tịch của Fed đã tin rằng, thị trường tài chính ngày nay có đủ mọi công cụ để làm phẳng chu kỳ kinh doanh. Chúng ta có một cơ chế thị trường minh bạch hơn, nhà đầu tư có nhiều kiến thức hơn với nhiều công cụ phòng ngừa rủi ro hơn. Tất nhiên, hiểu biết cũng như kinh nghiệm của các nhà điều hành cũng tốt hơn để tránh những sai lầm kiểu như rút tiền đột ngột vào năm 1929 khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Nhưng một đợt suy thoái mạnh nhất kể từ thế chiến thứ 2 vẫn diễn ra.

Trong những năm gần đây, các Flash Crash (Sụp đổ nhanh) có khuynh hướng xuất hiện ngày càng nhiều giống như năm 1987. Tháng 5. 2010, chỉ số DJIA rớt 600 điểm trong vòng 5 phút, làm tan biến hơn 800 tỷ USD giá trị thị trường.  Một sự kiện Flash Crash tương tự cũng diễn ra vào tháng 2. 2012 trên thị trường trái phiếu Mỹ. Vào tháng 1.2015, cơn địa chấn chưa từng có trên thị trường tiền tệ  khi đồng Franc Thụy Sĩ tăng giá hơn 41% so với Euro trong ngày 15.1 sau khi Ngân hàng tung ương Thụy Sĩ (SNB) quyết định bỏ mức sàn 1.2 cho cặp tỷ giá EUR/CHF. Biến động hỗn loạn diễn ra khi chênh lệch bid/ask (giá mua/giá bán) của các cặp tiền tệ như EUR/CHF lên đến cả ngàn Pip. Điều này khiến cho các ngân hàng như Citigroup, Deutsche Bank thua lỗ hàng trăm triệu USD. Các sàn giao dịch như FXCM cũng phải thua lỗ nặng. Chẳng có dấu hiệu gì cho thấy, chúng ta có thể ngăn ngừa các Flash Crash trong tương lai. Thậm chí, tần suất của các cuộc khủng hoảng hay các biến cố rủi ro có vẻ đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Thực tế là chúng ta không bao giờ có thể ngăn chặn và dự báo được các biến cố Thiên Nga Đen bởi vì chúng ta rất khó có thể hiểu được bản chất của các biến cố hiếm. Trong cuốn sách mới nhất “Antifragile: Things That Gain From Disorder” (2014), Taleb nói rằng: “Biến cố càng hiếm hoi, hiểu biết của ta về tần xuất xảy ra biến cố càng ít và càng khó dò tìm.” Thực ra, thế giới đang có nhiều Thiên Nga Đen hơn mọi người vẫn tưởng. Thế nhưng, các chuyên tài chính vẫn không ngừng dự báo.

Sự thất bại của chiến lược kinh doanh

Lĩnh vực tài chính liên quan rất nhiều đến việc dự báo. Bên cạnh hoạt động dự báo giá cả chứng khoán vốn nhạy cảm và dễ phân biệt đúng sai hơn thì những dự báo đòi hỏi sự đánh giá dài hạn hơn như lập chiến lược kinh doanh, mô phỏng tình hình tài chính, tư vấn tái cấu trúc vốn (gọi chung là dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp) cũng rất dễ gặp các ảo tưởng.

Các nhà tư vấn tài chính doanh nghiệp có vẻ như rất thích nói đến chiến lược và kế hoạch. Họ có xu hướng làm cho tương lai dễ trở nên dự đoán, gạt bỏ tính ngẫu nhiên. Bằng cách đó, họ có thể dự phóng doanh số, thu nhập, dòng tiền trong cả dài hạn.

Thế nhưng, Jims Collin trong cuốn sách “Xây dựng để trường tồn” đã chứng minh lịch sử phát triển của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới thực ra là một quá trình ngẫu nhiên hơn chúng ta tưởng. Hay nói cách khác, có rất ít các nhà lãnh đạo có thể xây dựng được một tầm nhìn chiến lược kinh doanh mang lại thành công. Đôi khi các doanh nghiệp trở nên thành công theo một cách chúng ta không mong muốn.

Coca Cola được xem là công ty giải khát thành công nhất thế giới thực ra bắt đầu là một công ty dược phẩm. Nokia từng là nhà chế tạo điện thoại di động hàng đầu trước đó là một nhà máy giấy. Dupont, nổi tiếng với các sản phẩm chảo không dính vốn là một công ty thuốc nổ. Công ty mỹ phẩm Avon khởi nghiệp từ một công ty bán sách.

Và có lẽ, phần lớn các nhà đầu tư đang mua cổ phiếu của FPT, một công ty công nghệ thông tin hàng đầu của Việt Nam, không hề biết FPT khởi đầu là một công ty công nghệ thực phẩm (FPT trước đó là The Food Professing Techonology) trước khi chuyển thành một công ty công nghệ trong 2 năm sau đó (FPT sau này có nghĩa là The Corporation for Financing and Promoting Technology). Hoặc cũng ít ai biết rằng công ty thực phẩm hàng đầu của Việt Nam như Masan thực ra trong suốt 5 năm đầu hoạt động là một công ty vận tải biển;

Tôi thích câu nói của Richard Branson, tỷ phú người Anh: “Chúng ta đầu có tập đi nhờ làm theo quy tắc. Mà là bằng cách cứ đi và ngã đấy thôi!” Thế giới kinh tế tài chính đầy rẫy những biến cố ngẫu nhiên theo kiểu Thiên Nga Đen làm thay đổi hoàn toàn tương lai của một doanh nghiệp.

Dự báo tài chính: Câu chuyện vô thưởng vô phạt trên thị trường tài chính Việt Nam.

Sự tồn tại của Thiên Nga Đen trên thị trường tài chính khiến việc dự báo tương lai là chuyện rất khó khăn. Tuy nhiên, dự báo luôn là câu chuyện ăn khách của truyền thông và báo chí. Nếu không có dự báo, có lẽ chẳng có nhà đầu tư nào muốn đọc các tạp chí tài chính. Và tất nhiên, các công ty chứng khoán cũng không thể hút khách hàng nào nếu như không đưa ra các dịch vụ dự báo tài chính trong các bản tin.

Mặc dù, có hàng ngàn dự báo được đưa ra mỗi ngày trên thị trường tài chính nhưng đáng ngạc nhiên nó là câu chuyện vô thưởng vô phạt trên TTCK Việt Nam. Sở dĩ như vậy là do gần như các chuyên gia nhận rất ít trách nhiệm về các dự báo. Tính đúng sai trong dự báo không phải là thước đo để đánh giá lương bổng của các nhà dự báo, hoặc chí ít là tiêu chí phân loại chất lượng của các chuyên gia phân tích. Điều này là do, dịch vụ dự báo tài chính ở Việt Nam vẫn còn là miễn phí. Mặt trái của vấn đề miễn phí là các nhà phân tích tài chính Việt Nam không có động lực để nâng cao chất lượng chuyên môn.

Điều này khác hẳn với các thị trường tài chính phát triển như Mỹ. Một số hãng truyền thông như Bloomberg, Reuters, hoặc các tạp chí tài chính chuyên về xếp hạng chuyên gia như Timer Digest, theo sát rất kỹ hoạt động dự báo của chuyên gia. Họ đánh giá chất lượng dự báo và xếp hạng các chuyên gia.

Thậm chí, có rất nhiều tổ chức tài chính độc lập cung cấp các dịch vụ dự báo mà nhà đầu tư phải trả phí. Lúc này, các chuyên gia tài chính phải nhận lấy một trách nhiệm rất cao. Họ phải nâng cao kỹ năng nghề nghiệp nếu muốn cạnh tranh và sinh tồn.

Có lẽ điều khiến cho dịch vụ dự báo tài chính ở Việt Nam vẫn còn tồn tại là thực chất nhà đầu tư rất “chóng quên”. Thực ra, sau mỗi chu kỳ tăng giảm của thị trường, phần lớn các nhà đầu tư đều bị thua lỗ và  thị trường lại được “thay máu” bằng lớp nhà đầu tư mới. Các nhà đầu tư mới thì chẳng bao giờ biết được quá khứ của các chuyên gia.

Trương Minh Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét