Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

“Gót chân Asin” của kinh tế Việt Nam 2016

[bài viết trích một phần từ VIETNAM FORECAST 2016]

Nỗi lo cơ chế tỷ giá mới

Năm 2015 khép lại về cơ bản là một năm thành công của kinh tế Việt Nam với một loạt số liệu  khá đẹp. Với tốc độ tăng trưởng GDP 6%, Việt Nam được xếp vào một trong sáu nền kinh tế mới nổi tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2015 theo thống kê của Bloomberg. Tỷ lệ lạm phát được kiểm soát tốt khi nằm dưới 5%.  Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng cuối năm 2015 đã về mức 2.72%, (dưới 3% như kế hoạch đề ra), giảm từ mức 17% vào năm 2011. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng lên cao kỷ lục 144.8 điểm trong tháng 12.2015, và là người tiêu dùng lạc quan nhất Châu Á theo khảo sát của ANZ. Tất cả đang cho thấy, Việt Nam nổi lên như một chiến binh Asin mạnh mẽ trong bối cảnh bất ổn của cuộc chiến tranh tiền tệ-dầu  mỏ trên toàn cầu.


Thành công của năm 2015 đang mang lại kỳ vọng lạc quan cho năm 2016. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6.7% vào năm 2016 trong khi ADB (Ngân hàng phát triển châu Á) dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng ở mức 6.6%.



Tuy nhiên, đằng sau bức tranh sáng của kinh tế Việt Nam là những mảng tối về câu chuyện tỷ giá. Vào tháng 8.2015, Việt Nam buộc phải phá giá hơn 3% giá trị VND sau khi Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng NDT. Trước đó, VND đã chạm mức trần hạn ngạch mất giá 2% nên tổng cộng VND đã mất giá hơn 5% trong năm 2015. Ngân hàng nhà nước (NHNN) cũng buộc phải nâng biên độ tỷ giá từ 1% lên 3%, tương đương với năm 2011, thời điểm cũng diễn ra những căng thẳng tỷ giá.


 Đợt phá giá vào tháng 8 khiến cho TTCK Việt Nam sụt giảm mạnh nhất trong năm 2015 với việc chỉ số VN-Index mất hơn 20% giá trị chỉ trong 1 tháng. Những ảnh hưởng của việc phá giá cũng ảnh hưởng đến sản xuất. Chỉ số PMI Sản xuất của Việt Nam do Nikkei và Markit công bố cho thấy, chỉ số sản xuất của Việt Nam đã sụt giảm từ tháng 9 đã sụt giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm (vùng suy thoái) sau khi đạt đỉnh cao 3 năm vào tháng 8.2015. Rõ ràng, tỷ giá đang là “gót chân asin” của nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ trong năm 2015 và có thể trở thành “tử huyệt” trong năm 2016 nếu như diễn biến cuộc chiến tranh tiền tệ-dầu mỏ thế giới tiếp tục bất lợi.



Trong bài viết: “Sức ép tỷ giá VND khi FED nâng lãi suất” được đăng tải trên Báo Đầu Tư Tài chính, số ra ngày 14.12.2015, tôi nhận định có sức ép phá giá VND vào thời điểm gần tết Nguyên Đán 2016 của Việt Nam và Trung Quốc. Có năm lý do giải thích cho điều này:

- Kỳ vọng VND sẽ mất giá khoảng 5%-7% trong năm 2016 theo dự báo của ANZ. Do đó, khi đồng hồ điểm lịch sang năm mới 2016, kỳ vọng phá giá sẽ xuất hiện.
- Ngân hàng nhà nước Việt Nam vào tháng 8.2015, chỉ cam kết giữ ổn định tỷ giá đến đầu năm 2016. Do đó, khoảng thời gian đầu năm 2016 sẽ nằm ngoài cam kết nói trên.
- Đồng USD được dự báo mạnh lên trên thị trường ngoại tệ thế giới trong quý 1.2016.
- Việc khối ngoại bán ròng trên TTCK trong 2-3 tháng gần đây có thể là dấu hiệu cho thấy khối ngoại lo sợ kịch bản phá giá mạnh như thời điểm năm 2011 nên rút vốn trước.
- Đồng NDT đang mất giá, vượt qua ngưỡng kháng cự quan trọng 6.4 NDT đổi 1 USD. Do đó, được kỳ vọng sẽ mất giá nhanh trong quý 1.2016 khi dòng vốn lại tiếp tục rút ròng kỷ lục trong tháng 11.2015.

Do vậy trong quý 1.2016, vấn đề tỷ giá sẽ là câu chuyện lớn của nền kinh tế Việt Nam. Sự căng thẳng tỷ giá có thể còn tiếp diễn trong quý 2.2016 nếu như FED tiếp tục tăng lãi suất vào cuối quý 1.2016. Trong quý 1.2016, FED sẽ có cuộc họp vào tháng 1.2016 và tháng 3.2016. Vì FED vừa mới nâng lãi suất vào tháng 12.2015 nên khả năng tăng tiếp vào tháng 1.2016 sẽ thấp hơn so với thời điểm tháng 3.2016.

Chính sách tỷ giá “mới” được ngân hàng nhà nước “nháy trước” vào cuối năm 2015 đang gây lo lắng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chưa có công bố cụ thể từ phía NHNN nhưng việc gửi ngoại tệ có thể mất phí hoặc thậm chí gửi ngoại tệ nhưng phải rút bằng VND sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Do kỳ vọng phá giá VND đang xuất hiện, các doanh nghiệp, quỹ đầu tư cần duy trì một lượng ngoại tệ để phòng ngừa việc mất giá. Nhưng nếu gửi ngoại tệ lại bị mất phí, và khi có việc phải rút ra bằng VND nhưng gặp khó khăn trong việc mua lại ngoại tệ sẽ khiến cho các nhà đầu tư bị thiệt. Đặc biệt đối với dòng vốn nóng do nghiệp cụ Carry Trade (kinh doanh chênh lệch lãi suất) tạo ra, chính sách trên của ngân hàng nhà nước có thể diễn ra hiện tượng đảo ngược dòng vốn.

Một thông báo khác từ phía NHNN về chính sách tỷ giá mới đó là cơ chế “bò trườn” cho phép VND tăng giảm theo thị trường. Điều này đang hàm ý NHNN chấp nhận cho phép VND biến động mạnh trong năm 2016 chứ không cố gắng đề giữ trong một biên độ hạn ngạch như 3 năm qua.

Tác hại khi VND mất giá: Khủng hoảng kép tỷ giá-nợ công

Theo khảo sát của ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Các doanh nghiệp ở Việt Nam có tỷ lệ đòn bẩy bằng ngoại tệ cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, với 80% các khoản nợ định danh bằng ngoại tệ. Đây là hệ quả của việc VND bị định giá cao trong vài năm qua, khiến cho đồng USD trông có vẻ rẻ hơn, ổn định hơn dẫn đến các doanh nghiệp tăng cường vay nợ bằng ngoại tệ. Trong khi đó rủi ro là doanh nghiệp Việt Nam lại chủ yếu hoạt động kinh doanh nội địa nên gần như ít có nguồn thu bằng ngoại tệ. Vì vậy, rủi ro tỷ giá thực sự là “gót chân Asin” của cả nền kinh tế lẫn doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Trong năm 2015, một số doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam như CTCP Phân Bón dầu khí Đạm Cà Mau (DCM) lỗ hơn 350 tỷ đồng về tỷ giá, ngoài ra còn kể đến những cái tên như CTCP Nhiệt Điện Phả Lại (mã PPC), CTCP Điện Lực dầu khí Nhơn Trạch (mã NT2)... Các doanh nghiệp về Vận Tải Biển, Nhiệt Điện, Xi Măng là thường là những ngành có vay nợ ngoại tệ lớn và sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi VND mất giá.

Về phía chính phủ, vay nợ bằng ngoại tệ đang chiếm tới 41.5% GDP nên sự mất giá của VND sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng trả nợ bằng ngoại tệ.

Đối với ngân sách nhà nước, sự tăng giá của USD trên thị trường thế giới sẽ có tác động kép thông qua việc khiến cho VND bị mất giá (ảnh hưởng đến việc trả nợ công bằng ngoại tệ) và giá dầu thô sụt giảm (nguồn thu ngân sách sách bị hụt thu). Trong năm 2016, Vietnam dự kiến nguồn thu ngân sách với kịch bản giá dầu bình quân 60 USD/thùng. Tuy nhiên, với giá dầu ở mức 35 USD như hiện nay và kịch bản đồng USD còn mạnh lên, triển vọng giá dầu có thể về mức 20-30 USD/thùng sẽ khiến cho việc cân bằng ngân sách của Việt Nam trở thành nhiệm vụ bất khả thi.

Quý 3.2016: Thận trọng với áp lực lạm phát và căng thẳng quân sự ở Biển Đông?

Theo công bố dự của NASA vào ngày 29.12.2015, khả năng hiện tượng El Nino (đã xuất hiện từ năm 2014) sẽ tiếp tục mạnh lên trong đầu năm 2016. Hiện tượng El Nino 2015-2016 đang được dự báo là mạnh nhất trong lịch sử. Hiện tượng El Nino liên quan đến sự ấm lên của dòng hải lưu Thái Bình Dương gây xáo trộn về thời tiết. Theo đó, có nơi thì nắng nóng khô hạn (thường ở Đông Bán Cầu) trong khi nơi khác lại diễn ra lụt lội, bão lũ (thường ở Tây Bán Cầu). Hiện tượng El Nino sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực toàn cầu, yếu tố dẫn đến lạm phát cho các nước thuộc nhóm đang phát triển bởi tỷ trọng lương thực thực phẩm cao trong giỏ hàng hóa.

Trong những ngày cuối cùng của năm 2015, thế giới đang chứng kiến sự hỗn loạn về thời tiết khi El Nino đang hoạt động mạnh. Paraguay đang chìm trong cơn lũ lịch sử 50 năm, Uraquay và Brazil đang chịu những cơn bảo tuyết và mực nước dâng cao khiến hàng người phải rời bỏ nhà cửa. Anh Quốc, Ireland và Scotland chìm ngập trong nước. Nước Mỹ đang có mưa, bão tuyết ở Arizona, California. Trong khi đó, hàng triệu người ở Châu Phí đang rơi vào cảnh thiếu lương thực vì hạn hán đang xảy ra.

El Nino cũng ảnh hưởng tới Việt Nam và thường gây ra sự khô hạn, nóng nắng kéo dài. Việc thiết hụt nguồn nước sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng đến sản xuất lương thực ở Việt Nam. Nhưng cũng cần lưu ý là những năm xuất hiện El Nino, các cơn bão nhiệt đới mỗi khi xuất hiện lại là những siêu bão như Linda (1997), Xangsane (2006) và Ketsana (2009).  Mẫu hình thời tiết khô hạn vào mùa hè có thể gây ra sự thiết hụt lương thực trong quý 3 và cả quý 4.2016 trên bình diện thế giới và Việt Nam. Có một chi tiết đáng lưu ý là 1 năm sau xảy ra hiện tượng Elnino, lạm phát của Việt Nam thường tăng lên như năm 1998, 2007 và 2010.

Theo nhận định của hãng tin Bloomberg vào tháng 10.2015, El Nino đang được kỳ vọng là yếu tố giúp thế giới tìm lại lạm phát, vốn đang tắt lịm bất chấp các ngân hàng trung ương đang ồ ạt in tiền.  Theo dự báo của Bloomberg, yếu tố lạm phát sẽ xuất hiện rõ trong nửa sau năm 2016 khi giá lương thực tăng lên và kể cả nhu cầu năng lượng từ dầu thô tăng lên. Vì vậy, El nino có thể giúp thế giới tạm thời thoát ra khỏi áp lực giảm phát. Tuy nhiên, đối với Việt Nam điều này không hẳn đã là tích cực. Việc VND đứng trước áp lực mất giá nếu như xuất hiện thêm cả áp lực lạm phát sẽ là tạo nên vòng xoáy tỷ giá-lạm phát.

Những nguy cơ tranh chấp vũ lực ở Biên Đông là vấn đề nhà đầu tư cần chú ý sau sự kiện tháng 5.2014. Từ tháng 10.2015, đã có dấu hiệu cho thấy Mỹ và Nhật Bản sẽ can thiệp sâu hơn vào Biển Đông trước sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực này. Vì vậy, năm 2016, cần cẩn trọng với kịch bản leo thang về sự phức tạp tình hình tại Biển Đông.

Cơ hội phục hồi trong quý 4.2016

Một dự báo phổ biến hiện nay là đồng USD có thể tạo lập đỉnh trong quý 3.2016 và giảm giá sau đó. Sự mất giá của đồng USD có thể là do FED can thiệp để giữ cho nền kinh tế Mỹ và toàn cầu ổn định trước thêm bầu cử Tổng Thống Mỹ vào tháng 11.2016. Thậm chí, có khả năng FED sẽ tung ra gói QE4 nếu cần thiết. Sự mất giá của đồng USD sẽ kéo theo sự phục hồi của của giá dầu thế giới sẽ giải tỏa những áp lực cho Việt Nam trong vấn đề tỷ giá và xuất khẩu dầu cũng như cân bằng ngân sách.

Trương Minh Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét