Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

CHÍNH TRỊ, CHỨNG KHOÁN VÀ TỶ GIÁ

[bài viết từ cuối tháng 1.2016, nhưng không được báo nào đăng tải nên chìm xuồng. Giờ show ra cho mọi người đọc chơi]

Năm 2016 là một năm thú vị khi đây là năm diễn ra sự chuyển giao quyền lực chính trị ở Mỹ (Bầu Cử Tổng Thống) và Việt Nam (Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần XII). Liệu những sự kiện chính trị này và diễn biến trên TTCK có mối quan hệ với nhau như thế nào?

TTCK có dự báo được kết quả bầu cử Tổng Thống Mỹ 2016?

Mối quan hệ giữa chính trị và chứng khoán không phải là chủ đề xa lạ đối với các nhà đầu tư tài chính khi nhiều bằng chứng lịch sử cho thấy có mối quan hệ giữa những nhà chính trị và phố Wall.

Lịch sử quan sát ở Mỹ cho thấy, trong 22 cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ từ năm 1928 đến nay, có 14 lần TTCK Mỹ tăng giá trong vòng 3 tháng trước bầu cử. Kết quả cho thấy, có 12 trong 14 lần Tổng Thống đương nhiệm khi tái ứng cử và ứng viên cùng Đảng của tổng thống đương nhiệm sẽ giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ (ngoại lệ diễn ra vào năm 1968 và 1990). Như vậy, sự tăng điểm của TTCK Mỹ trong 3 tháng trước bầu cử tổng Mỹ giúp dự đoán chính xác 85.7% khả năng chiến thắng của ứng viên cùng Đảng của tổng thống đương nhiệm cũng như khi Tổng thống đương nhiệm tái ứng cử.

Trong 8 lần còn lại, TTCK Mỹ sụt giảm trong 3 tháng trước kỳ bẩu cử Tổng Thống Mỹ diễn ra và có 7 trong 8 lần ứng viên cùng Đảng của tổng thống đương nghiệm hoặc tổng thống đương nhiệm tái ứng cử bị thất bại. (Ngoại lệ diễn ra vào năm 1956)

Như vậy, thống kê cho thấy, TTCK đã dự báo chính xác 86.4% kết quả bầu cử.


Mối quan hệ trên xuất hiện vì TTCK thể hiện triển vọng của nền kinh tế mà nhà đầu tư kỳ vọng trước thời điểm bầu cử. TTCK tăng điểm cho thấy một nền kinh tế đang cải thiện, hoặc cho thấy niềm tin của giới đầu tư đang tăng lên. Điều này sẽ mang lại khả năng chiến thắng cao hơn cho  đảng của tổng thống đương nhiệm có thể tiếp tục thắng cử. Ngược lại, sự sụt giảm của TTCK cho thấy nhà đầu tư đang mất niềm tin vào triển vọng của nền kinh tế cũng như khả năng lãnh đạo của Tổng Thống đương nhiệm nên sẽ ủng hộ cho ứng viên của Đảng đối lập (so với Đảng của tổng thống đương nhiệm).
Do đó, khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 của năm bầu cử là khoảng thời gian đáng chú ý để dự báo về khả năng đảng nào sẽ giành được chiến thắng trong cuộc đua giành ghế ông chủ nhà trắng. Nếu như TTCK Mỹ tăng giá, khả năng ứng viên đảng Dân Chủ (hiện nay là Hilary Clinton) sẽ giành chiến thắng, hoặc ngược lại, sự sụt giảm của thị trường trong giai đoạn tháng 8 đến tháng 10 sẽ báo hiệu khả năng chiến thắng cho ứng viên Đảng Cộng Hòa ( ví dụ như Donal Trump)

Bảng 1: Sự tăng giá/hoặc giảm giá của TTCK trong 3 tháng trước thời điểm bầu cử sẽ dự báo chính xác hơn 86% kết quả bầu cử Tổng Thống.

Đối với cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 2016, nếu như chỉ số DJIA tăng điểm trong khoảng thời gian từ 31.7 đến 30.10, hàm ý khả năng đảng dân chủ sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng Thống. Ngược lại, ứng viên của Đảng Cộng Hòa sẽ giành chiến thắng.

Trong mối quan hệ ngược lại, thành quả của TTCK cũng khác nhau giữa các đời Tổng Thống thuộc Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ. Thống kê từ năm 1929 đến 2011 cho thấy, TTCK dưới thời của các tổng thống thuộc Đảng Dân Chủ tăng giá gấp 3 lần so với dưới thời của các tổng thống thuộc Đảng Cộng Hòa. Cụ thể, tỷ suất sinh lợi trung bình mỗi năm dưới thời tổng thống thuộc Đảng Dân chủ là 15.31% so với 5.47% của Đảng Cộng Hòa.

Diễn biến của chu kỳ bầu cử 4 năm một lần cũng tác động đến TTCK. Năm đầu tiên sau bầu cử thường là năm có tỷ suất sinh lợi tệ nhất so với mức trung bình. Năm thứ hai, tuy tốt hơn năm đầu tiên nhưng vẫn dưới mức trung bình. TTCK Mỹ tăng trưởng tốt nhất vào năm thứ ba. Vào năm bầu cử, TTCK Mỹ tăng trưởng tuy vẫn trên mức trung bình nhưng thấp hơn năm thứ ba. Lưu ý, rằng kết quả trên là một xu hướng có tính xác suất chứ không phải là một quy luật bất di bất dịch. Thực tế, năm 2015 là năm thứ ba trong nhiệm kỳ của Tổng Thống Obama, nhưng chỉ số chứng khoán Mỹ lại bị âm từ 2%-5% (lẽ ra phải là năm tăng tốt nhất).

Thời điểm bầu cử Tổng Thống cũng hữu ích trong việc định thời điểm thị trường. Một câu châm ngôn nổi tiếng là: “Thị trường chứng khoán thường tăng trưởng và đạt đỉnh xung quanh chu kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, sụt giảm và tạo đáy ở giữa nhiệm kỳ tổng thống”. Câu châm ngôn này có xác suất đúng đến 80% trong giai đoạn 1948 đến 1980.

Mặc dù FED (Cục dự trữ liên bang Mỹ) hoàn toàn độc lập với các đảng phái chính trị ở Mỹ nhưng các nhà quan sát nhận thấy, chính sách của FED cũng bị ảnh hưởng bởi chu kỳ bầu cử. Theo một nghiên cứu Ken Hawkins (2007, đăng tải trên Journall of Porfolio Management), chính sách tiền tệ thường được mở rộng hơn ở nửa thứ hai của nhiệm kỳ tổng thống và thắt chặt hơn ở hai năm đầu của nhiệm kỳ. Vì vậy, chúng ta không hề ngạc nhiên tại sao TTCK Mỹ thường tăng trưởng mạnh hơn ở năm thứ ba của nhiệm kỳ tổng thống là thời điểm FED thường mở rộng tiền tệ.

Theo quan sát của Đại Học Yale, chính hành động thắt chặt của của FED thường khiến cho đồng USD tăng giá và TTCK suy yếu trong nửa đầu nhiệm kỳ. Ngược lại, sự mở rộng về chính sách tiền tệ làm đồng USD hạ giá và TTCK tăng trưởng ở nửa sau nhiệm kỳ.

Thành quả của đồng USD cũng khác nhau giữa các tổng thống thuộc Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Theo đó, đồng USD thường tăng giá dưới thời của tổng thống thuộc Đảng Dân Chủ trong khi lại giảm giá dưới thời tổng thống thuộc Đảng Cộng Hòa.

Điểm lại thành quả dưới thời tổng Thống Obama, thuộc Đảng Dân Chủ, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt so với tổng thống George Bush, thuộc Đảng Cộng Hòa. Cả Obama và Bush đều tái đắc cử thành công khi TTCK tăng trưởng hơn 2% trong vòng 3 tháng trước năm tái bầu cử 2004 và 2012. Tuy nhiên, thành quả thị trường của hai vị tổng thống là rất khác nhau. Vào đỉnh điểm tháng 3.2015 (sau 6 năm cầm quyền), chỉ số Down Jones đã tăng giá đến 150% và đồng USD đã tăng hơn 14% dưới thời của Obama. Con số này tốt hơn nhiều so với mức tăng trưởng 16% của chỉ số Down Jones và đồng USD giảm hơn 22% dưới thời tổng thống Bush trong khoảng thời gian tương ứng.

Dưới thời của Obama, các chỉ số chứng khoán đều có những cú sốc giảm hơn 20% từ đỉnh tháng 7.2011 và tháng 5.2015, đều là những thởi điểm gần

Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ XII, chỉ số VN-Index và đồng VND

Phân tích trên cho thấy tồn tại mối quan hệ giữa chính trị, chứng khoán và tỷ giá trên thế giới. Tác giả phát hiện mối quan hệ thú vị giữa các lần tổ chức Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam với chỉ số VN-Index và tỷ giá VND/USD qua ba kỳ đại hội Đảng vào năm 2001, 2006 và 2011.

Dữ liệu được đưa ra như sau:

- Đại hội đảng lần thứ IX diễn ra vào ngày 19.4 đến 22.4.2001. Tại thời điểm này, chỉ số chứng khoán VN-Index ở mức 311 điểm và tăng lên 570 điểm vào ngày 25.6.2001. Tương ứng tăng 83% trong vòng 2 tháng sau đại hội Đảng. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index sau đó sụt giảm mạnh gần 80% trong 2 năm sau đó (đến tháng 10.2003). Đáng lưu ý, lý do khiến TTCK Việt Nam tạo lập đỉnh vào tháng 6.2001 liên quan đến sự mất giá mạnh của VND nhanh chóng. Cơn sốt tỷ giá VND bắt đầu từ tháng 5. 2001 khi Việt Nam chịu ảnh hưởng của hậu suy thoái Đông Nam Á với việc khó khăn trong thu hút dòng vốn FDI, lẫn ODA. Năm 2001, Việt Nam phá giá hơn 4% tỷ giá để hỗ trợ cho xuất khẩu và vực dậy nền kinh tế. Sự mất giá của VND so với USD là bất thường trong bối cảnh đồng USD mất giá mạnh trên thị trường tiền tệ thế giới.

- Đại hội Đảng lần X diễn ra vào ngày 18.4 đến 25.4.2006. Ngay khi Đại Hội Đảng vừa kết thúc, chỉ số VN-Index đạt đỉnh 615 điểm và sụt giảm mạnh 35% chỉ trong vòng 2 tháng về đáy 400 điểm vào ngày 2.8.2006. Một lần nữa lý do lại liên quan đến vấn đề tỷ giá. Cơn sốt tỷ giá bắt đầu từ tháng 5.2006. Mặc dù VND chính thức chỉ phá giá nhẹ 0.82% nhưng điều này không phản ánh hết được thực tế của thị trường. Trên thị trường chính thức, tỷ giá VND/USD lần đầu tiền vượt ngưỡng 16,000 sau nhiều năm nhưng trên thị trường tự do, tỷ giá có lúc chạm ngưỡng 17,000. Vào tháng 6.2006, khi FED thực hiện tăng lãi suất lên 5.25% càng tạo ra áp lực mất giá cho VND.

- Đại hộp đảng lần XI diễn ra vào ngày 12.1 đến 19.1.2011. Ngay sau đó vào ngày 24.1.2011, chỉ số VN-Index đạt đỉnh 530 điểm và sụt giảm 33% về đáy 330 điểm tháng 1.2012. Chỉ số HNX-Index thậm chí mất đến hơn 50% giá trị trong cùng thời gian. Một lần nữa, tỷ giá lại là cú sốc khiến cho VND bị mất giá mạnh. Do ảnh hưởng của lạm phát cao ở các thị trường mới nổi và cận biên, Việt Nam đã phá giá hơn 9% giá trị của đồng VND vào ngày 11.2.2011, tức chỉ 1 tháng sau Đại Hội Đảng. Cú sốc tỷ giá đã làm xáo trộn toàn bộ nền kinh tế.

Như vậy, có thể nhận ra một điểm chung qua ba kỳ Đại Hội Đảng gần đây, sau thời gian 0-2 tháng kể từ khi Đại Hội Đảng kết thúc, Việt Nam thường xuyên gặp phải các cú sốc tỷ giá. Sự phá giá mạnh của VND làm ảnh hưởng xấu đến cả nền kinh tế lẫn TTCK. TTCK lập tức lao dốc mạnh khi Việt Nam phá giá VND sau Đại Hội Đảng (với mức độ sụt giảm ít nhất là hơn 30%).

Đại Hội Đảng lần thứ XII kết thúc vào ngày 28.1.2016. Liệu lịch sử có lặp lại hay không là một câu hỏi nghi vấn khi những lo lắng về tỷ giá vẫn là chủ đề nóng từ sau tháng 8.2015. Lịch sử của TTCK sau ba lần đại hội Đảng gần đây không cho thấy một kết quả chung về khoảng thời gian sụt giảm khi gặp phải các cú sốc tỷ giá. Nếu nhanh, những cú sốc có thể diễn ra trong 2-3 tháng nhưng thậm chí có thể kéo dài trong 1-2 năm.
Trương Minh Huy


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét