Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

Lãi suất âm: Cuộc phiêu lưu mới của các ngân hàng trung ương


Sau phiên họp ngày 10.3.2016, đồng Euro tăng giá mạnh mặc dù ECB hạ lãi suất xuống mức -0.4% và mở rộng chương trình mua trái phiếu thêm 20 tỷ Euro lên 80 tỷ euro mỗi tháng. Điều này là do chủ tịch Draghi đã gây bất ngờ cho thị trường bằng câu phát biểu: “Không có ý định hạ thêm lãi suất nữa”. Liệu phát biểu của Draghi sẽ gây áp lực như thế nào đến cuộc họp của FED vào ngày 15.3 và 16.3 tới? NIRP sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế toàn cầu?

Trường hợp Nhật Bản: NIRP đang hủy hoại hệ thống tài chính

Hơn 184 nghìn tỷ Yên Nhật tiền gửi nằm tại Ngân Hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và 650 tỷ Euro tiền gửi nằm tại ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) bởi các ngân hàng thương mại, là lý do tại sao các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như BOJ và ECB phải thực thi chính sách lãi suất âm (NIRP) sau nhiều năm bơm tiền theo gói QE.

Ý tưởng của NIRP là các ngân hàng trung ương muốn “đánh” một khoản phí lên số tiền gửi thặng dư này của các ngân hàng thương mại để các ngân hàng thương mại rút số tiền gửi thặng dự này chuyển sang cho vay trong nền kinh tế thực.

Cuối tháng 1.2016, Nhật Bản công bố thực hiện lãi suất âm 0.01% và ngày 1.3.2016, lần đầu tiên chính phủ Nhật Bản được trả lãi khi đi vay. Theo đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Kỳ hạn 10 năm (JGB) hiện tại đã bị âm, và lợi suất các trái phiếu kỳ hạn ngắn hơn đang chìm dần về vùng 0. Các nhà quản trị quỹ tiền tệ (money market fund), những quỹ thường đầu tư vào các giấy tờ thương mại và trái phiếu chính phủ có kỳ hạn ngắn hơn 1 năm, nhìn thấy rủi ro của lợi suất âm đối với khoản vốn của họ. Không giống như các ngân hàng thương mại nhận tiền gửi, các nhà quản lý quỹ thị trường tiền tệ rất chú ý đến việc bảo toàn nguồn vốn nên thường đầu tư vào các trái phiếu ngắn hạn nợi họ cho là an toàn nhất, nên việc giá trị của khoản đầu tư bị âm so với mệnh giá là điều được xem là tồi tệ.

Đầu tháng 3 vừa qua, 11 nhà quản trị tài sản của Nhật Bản trong đó có cung cấp các quỹ thị trường tiền tệ đã dừng cung cấp sản phẩm mới và có kế hoạch trả lại tiền cho nhà đầu tư đã góp vốn vào quỹ.


Theo thông tin từ Bussiness Insider, nhiều quỹ thị trường tiền tệ ở Nhật đã và đang có ý định hoàn lại tiền cho cổ đông: “Ví dụ như Nomura Asset Management và Daiwa Asset Management đang có ý định trả lại tiền cho cổ đông trước tháng 8 và tháng 10. Mitsubishi UFJ Kokusai Asset Management đang chuẩn bị hoàn tiền trước tháng 4 và tháng 5. Trong khi đó, có 5 quỹ thị trường tiền tệ trong đó có cả quỹ lớn như Nikko Asset Management đã thông báo kế hoạch vào ngày thứ 2 vừa qua sẽ hoàn tiền lại cho nhà đầu tư”.

Tác động của lãi suất âm đang lan đến các sản phẩm tài chính khác. Một vài công ty bảo hiểm nhân thọ đang ngừng bán các sản phẩm nhắm đến người gửi tiết kiệm.

Vì tỷ suất sinh lợi của các quỹ dự trự tiền tệ (money reserve fund), các quỹ hỗ tương (mutual fund) đang ở mức dưới 0.02% nên các nhà quản lý quỹ đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, vì các quỹ này được xem như là tài khoản thanh toán được sử dụng trong giao dịch chứng khoán, nên việc trả lại tài sản cho khách hàng là khó khăn.

BOJ thực sự đang “giết chết” thị trường trái phiếu Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản là người đi vay nợ và không có lý do gì mà người cho vay phải trả thêm tiền cho người đi vay (vốn đang kẹt trong đống nợ nần) nếu không tim ra người khác chấp nhận mức lãi suất âm hơn nữa. Thực tế hiện nay, các nhà giao dịch trái phiếu  tại Nhật Bản sẽ mua một lượng lớn các trái phiếu lãi suất âm từ chính phủ và sau đó đó bán chúng cho BOJ với lãi suất còn âm hơn nữa, để nhận được mức chênh lệch. Vậy thực sự mà nói, chính BOJ mới là người in tiền để tài trợ cho thâm hụt của chính phủ chứ không còn là người cho vay trên thị trường. Hay nói cách khác, chính BOJ đang trả lãi cho chính phủ Nhật Bản thông qua cơ chế lãi suât âm và làm méo mó thị trường trái phiếu Nhật Bản.

Cú đánh quyết định của ECB

Ngày 10.3.2016, ECB hạ lãi suất IOER (lãi suất trả cho các khoản tiền gửi thặng dư của các ngân hàng thương mại tại ECB) thêm 10 điểm cơ bản, xuống còn -0.4%. Trong khi đó, lãi suất cơ bản xuống còn 0% so với mức 0.05% trước đó. ECB cũng đáp ứng luôn kỳ vọng của thị trường trong việc mở rộng chương trình mua trái phiếu thêm 20 tỷ Euro lên 80 tỷ euro mỗi tháng (khoảng 87 tỷ USD)  bắt đầu từ tháng 4.2016. Chương trình mua trái phiếu sẽ kéo dài đến tháng 3.2017. Chưa hết, ECB cũng sẽ bao gồm việc mua các trái phiếu doanh nghiệp (các tập đoàn lớn) trong chương trình mua trái phiếu. Rõ ràng, ECB đang muốn có một cú đánh mạnh để vực dậy nền kinh tế Châu Âu khi đưa dồn dập nhiều biện pháp trong lần họp này, thay vì xé lẻ như các lần trước.

Những tưởng một loạt các biện pháp trên sẽ làm cho đồng Euro mất giá mạnh. Tuy nhiên, ECB với phong cách vốn có: “thích gây bất ngờ cho thị trường” đã làm cho các trader bị bất ngờ với câu nói của chủ tịch Draghi: “Không có ý định hạ thêm lãi suất”. Đồng Euro bất ngờ tăng vọt hơn 1.6% so với đồng USD mặc dù giảm giá trong đầu phiên so với USD sau bình luận của Draghi. Giá vàng tăng vọt hơn 20 USD lên 1,275 USD.

Việc Draghi gây bất ngờ cho thị trường cả về quy mô của biện pháp tiền tệ lẫn câu nói thòng : “không có ý định hạ thêm lãi suất” cho thấy, ECB đang muốn có một cú đánh thật mạnh để vực dậy nền kinh tế Châu Âu đồng thời cũng muốn nói rằng: “chúng tôi đang ở giới hạn cuối của chính sách NIRP”. Thực sự, nhiều ngân hàng ở Châu Âu, đặc biệt là ở Đức, đang chỉ trích chính sách lãi suất âm của ECB. Do đó, chủ tịch Draghi muốn xoa dịu giới ngân hàng sau khi tung một liệu pháp mạnh như vậy.

FED “để dành NIRP”nhằm đối phó với khủng hoảng tương lai

Bình luận của Draghi và những chứng cứ gần đây ở Nhật Bản có thể khiến FED không vội tung NIRP trong cuộc họp tháng 3.2016 diễn ra trong vài ngày tới. Ngược lại, sự mạnh lên của đồng Euro có thể làm tăng kỳ vọng của thị trường về khả năng FED tăng lãi suất trong cuộc họp tới. Trong trường hợp FED không tăng lãi suất, có thể FED sẽ dùng đến những bình luận mang tính “Diều hâu” để giúp cho đồng USD tăng giá trở lại.

Nên nhớ, mục tiêu của Draghi là đang muốn làm cho đồng Euro yếu đi bằng một loạt biện pháp kích thích mạnh mẽ. Nhưng với bình luận của Draghi, đồng Euro đã tăng giá mạnh so với đồng USD. Do đó, rất có thể, Draghi phải nhờ đến sự giúp đỡ của FED trong việc làm suy yếu trở lại đồng Euro.

NIRP có thể được xem như là “của để dành”, nhằm giúp FED chống chọi với cơn bão tài chính sắp tới. Quan điểm người viết cho rằng, FED có thể thực thi nó sau khi có nhiều bằng chứng cho thấy đồng USD mạnh sẽ tác động xấu đến thị trường tài chính thế giới.

Thực thi NIRP hay không là một tranh luận đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở Mỹ. Cựu chủ tịch FED, ông Alan Greenspan phản đối chính sách tiền tệ lãi suất âm trong khi Bernanke, cũng là cựu chủ tịch FED lại cho rằng NIRP có thể giúp nước Mỹ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tới. Bernanke cũng cho rằng, FED chắc chắn sẽ thực thi chính sách này trong thời gian tới.

Vào đầu tháng 2.2016, phó chủ tich FED, Stanley Fisher đã từng nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg rằng, “NIRP đang có nhiều kỳ vọng sẽ được thực thi”. Một chi tiết đáng lưu ý là Stanley Fisher, được xem là ứng cử viên sáng giá nhất cho chiếc ghế chủ tịch FED trong tương lai, khi chủ tịch Yellen sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 2.2018. Đây có thể được coi là sự rò rĩ trước thông tin cho thị trường về khả năng FED sẽ sử dụng trong tương lai. Có một số thông tin cho rằng, FED sẽ không dùng đến NIRP ít nhất trong 6 tháng tới.

Các ngân hàng trung ương đang lái thế giới đến gần hơn với thảm họa

Theo Wall Street Journal, một hiểm họa của NIRP là vấn đề thanh khoản của các ngân hàng yếu ở cả Nhật Bản và Eurozone. Khi người gửi tiền rút tiền ra khỏi tài khoản ngân hàng để tránh phí, có thể gây ra mất thanh khoản cho các ngân hàng yếu. Đến lượt nó, các ngân hàng yếu có thể gây ra sụp đổ dây chuyển cho cả hệ thống tài chính-ngân hàng lẫn nền kinh tế.

Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS), cách đây vài ngày đã công bố bản nghiên cứu cho thấy, các chính sách tiền tệ bất thường như QE chỉ khiến cho thế giới trở nên mất cân bằng bởi chênh lệch giàu nghèo cao. Người giàu trở nên giàu hơn thông qua sự tăng trưởng của thị trường cổ phiếu trong khi các chính sách này ít mang lại tác động tích cực lên thế giới thực. 

Nghiên cứu của BIS cũng cho thấy chính sách NIRP thậm chí còn có những tác dụng ngược. Một số nhà kinh tế học chẳng hạn như Katie Evans nói rằng, NIRP chỉ góp phần làm tăng thêm mức độ của các chính sách tiền tệ bất thường.

NIRP là một rủi ro, nhưng trong một hoàn cảnh ngặt nghèo, các ngân hàng trung ương bắt buộc phải thử nghiệm tất cả những gì có thể. NIRP đang là một công cụ để các ngân hàng trung ương cố gắng dọn dẹp sự bất thường và méo mó trên thị trường tiền tệ mà chính sách QE để lại. Và nếu như cuộc thử nghiệm này thất bại, đó thực sự là một thảm họa vì có lẽ, khó có thể tìm ra một phương thức nào để dọn dẹp hệ quả mà cả QE lẫn NIRP tạo ra.

Jim Roger, một nhà đầu tư huyền thoại đang cảnh báo về khả năng xuất hiện một cuộc khủng hoảng trong 12 tháng tới.

Trương Minh Huy
Tài liệu tham khảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét