Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

Kỳ 1: Cuộc chiến tiền tệ-dầu mỏ sẽ ra sao trong năm 2016?



Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ thiệt hại lớn

Trong loạt bài viết về Chủ đề chiến tranh tiền tệ được đăng tải trên báo Đầu Tư tài chính số ra ngày 31.8.2015 “Hệ quả chiến tranhtiền tệ: Rủi ro sụp đổ toàn cầu”, tôi đã giải thích cuộc chiến tranh dầu mỏ được khởi động từ năm 2014 là một phần trong sự phức tạp của cuộc chiến tranh tiền tệ lần thứ 3 (diễn ra từ năm 2010 đến nay). Cuộc chiến tranh tiền tệ lần thứ 3 là một cuộcchiến tranh tài chính nhằm âm mưu lật độ lật nhau chứ không đơn thuần là phágiá tiền tệ tạo lợi thế xuất khẩu.

17 tháng trôi qua kể từ khi cuộc chiến dầu mỏ bủng nổ vào tháng 6.2014, giá dầu đã giảm hơn 60% và khiến cho các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ điêu đứng. Nga, quốc gia có gần 50% nguồn thu ngân sách, 30% GDP và 60% kim ngạch xuất khẩu từ dầu mỏ và khí đốt, đã điêu đứng vì giá dầu thấp. Đồng Ruble của Nga đã sụt giảm hơn 50% trong suốt gần 2 năm qua, lạm phát tăng cao buộc Nga phải tăng lãi suất lên 17%/năm vào cuối năm 2014 (và giảm còn 11% ở thời điểm hiện tại), dẫn đến suy thoái kinh tế. Theo Morgan Stanley, GDP của Nga ước tính giảm 4.2% trong năm 2015. Thâm hụt ngân sách của Nga trong năm 2015 ước khoảng 3% GDP, là mức thấp, nhưng thực ra là do quốc gia này đang dùng quỹ dự trữ (Reverse Fund), một nguồn quỹ thuộc ngân sách quốc gia (trước đây dầu bán ra sẽ được dùng để trích lập quỹ này) để đối phó với việc sụt giảm nguồn thu từ dầu. Vào tháng 10.2015, theo Bộ Trưởng Tài Chính Anton Siluanov, Nga đã chi 40 tỷ USD trong quỹ dự trữ trong năm 2015 và dự báo nếu như năm 2016, giá dầu còn ở mức thấp dưới 50 USD/thùng và tỷ giá không thay đổi, toàn bộ quỹ dự trữ của Nga sẽ hết sạch. Tương tự, một quốc gia có nền kinh tế dựa vào dầu mỏ khác như Venuzuela rơi vào siêu lạm phát hơn 700% khi đồng nội tệ cũng mất giá hơn 7 lần.


Ngay cả các quốc gia dầu mỏ trong khối OPEC cũng dính đòn nặng. Toàn bộ khối OPEC đã mất tới hơn 370 tỷ USD doanh thu dầu mỏ trong năm 2015 so với năm 2014. Trong đó, Saudi Arabia, một quốc gia được cho là cùng với Mỹ khởi động cuộc chiến dầu mỏ, mất đến gần 100 tỷ USD trong nguồn thu dầu mỏ năm 2015. Saudi Arabia được dự báo sẽ có mức thâm hụt ngân sách lên tới 20% GDP trong năm 2015.GDP của Saudi Arabia, theo dự báo từ IMF giảm khoảng 3.5% trong năm 2015, tức tương đương với mức sụt giảm của năm 2014.

Nước Mỹ “chống chọi” đòn phản kích của Nga-Trung?

Đối với Mỹ, việc giá dầu sụt giảm đã mang đến cho quốc gia này một số lợi ích trước mắt. Sự thua thiệt trong ngành dầu (giải thích bên dưới) cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến GDP nước Mỹ khi chỉ đóng góp 6-7% trong GDP Mỹ. Tuy nhiên, giá dầu thấp mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, vốn đóng góp tới 68% GDP Mỹ. Thực tế, GDP dự báo năm 2015 cho nước Mỹ là khoảng 2.5%, cao hơn một chút so với mức 2.4% trong năm 2014.

Vì thâm hụt thương mại bởi dầu chiếm khoảng 40%-45% trong tổng thâm hụt thương mại của Mỹ, nên giá dầu hạ đã làm giảm bớt thâm hụt thương mại bởi dầu xuống còn 20% trong năm 2014 và tiếp tục mức này cho đến thời điểm hiện tại. Đây là khoản lợi lớn đối với nước Mỹ. Nhưng vì đồng USD tăng giá, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lại tăng 8.4% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 9. Tính ròng, thâm hụt thương mại bình quân của Mỹ năm 2015 khoảng dưới 50 tỷ USD/tháng, thấp hơn so với mức bình quân hơn 60 tỷ USD/tháng trong năm 2014, sự cải thiện trong thâm hụt thương mại là không quá lớn. Xu hướng thâm hụt thương mại đang có chiều hướng giảm dần. Theo đó, thâm hụt thương mại tháng 9 là 40.8 tỷ USD (công bố đầu tháng 11), thấp nhất 7 tháng do xu hướng sụt giảm của giá dầu. Khi thâm hụt thương mại giảm đi sẽ giảm sức ép lên thâm hụt ngân sách và vấn đề nợ công của Mỹ.

Tuy nhiên, nếu nhìn về dài hạn, nước Mỹ không phải là kẻ thắng cuộc trong cuộc chiến dầu mỏ-tiền tệ. Theo Reuter vào ngày 12.8.2015, 10 công ty sản xuất gas và dầu thô độc lập lớn nhất của Mỹ đã công bố lỗ tổng cộng 15 tỷ USD trong quý 2.2015, so với mức lợi nhuận gần 3.5 tỷ USD trong năm trước (Hiện tại, đang vào mùa công bố lợi nhuận tài chính quý 3). Số lượng các giàn khoan khai thác dầu đã sụt giảm từ mức đỉnh 1,600 giàn xuống còn xấp xỉ 775 giàn vào tháng 10.2015. Điều đáng nói là chi tiêu vốn của các công ty dầu Mỹ đang sụt giảm nên tổng ngân sách cho ngành dầu khí đã sụt giảm mạnh từ mức 194 tỷ USD vào năm 2014 xuống còn 125 tỷ USD trong năm 2015. Theo Barclays, dự báo năm 2016 sẽ cắt giảm tiếp 15% xuống còn khoảng 106 tỷ USD. Điều này chắc hẳn sẽ ảnh hưởng đến việc gia tăng sản lượng khai thác dầu, đặc biệt là dầu đá phiến của Mỹ trong dài hạn. Nền công nghiệp đá dầu phiến của Mỹ tuy tăng trưởng mạnh trong vài năm gần đây nhưng sẽ rất rủi ro khi theo khảo sát của The Economist, đòn bẩy tài chính của các công ty dầu đá phiến Mỹ đang ở mức rủi ro cao (trên 6 lần), nên dễ tổn thương khi đồng USD tăng giá còn giá dầu ở mức thấp. Ước tính, chi phí sản xuất dầu đá phiến là từ 40 USD-90 USD/thùng, nên với giá dầu hiện nay, các công ty dầu đá phiến cũng rơi vào thua lỗ.

Mỹ đang phải chật vật trước đòn phản kích của Nga-Trung. Nga và Trung Quốc, đã đáp trả cuộc chiến dầu mỏ (với Nga)- tiền tệ (với Trung Quốc), bằng cách bán tháo trái phiếu chính Phủ Mỹ. Tờ Wall Street Journal cho biết, bốn quốc gia là Trung Quốc, Nga, Brazil và Đài Loan, vốn là người mua lớn nhất từ trước tới nay, đã bán tháo trái phiếu Mỹ vào tháng 7 năm nay khi Trung Quốc “buộc” phải phá giá đồng NDT do làn sóng tháo vốn khỏi quốc gia này. Chính điều này khiến doanh số mua trái phiếu ròng của nước ngoài đối với trái phiếu Mỹ đã âm 123 tỷ USD vào tháng 7.2015, là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1978, khi số liệu thống kê này được thu thập (Xem hình 1). Từ năm 2010-2013, bình quân nước ngoài mua ròng 200 tỷ USD trái phiếu Mỹ mỗi năm.

Đối với các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, việc giá dầu ở mức thấp khiến các quốc gia này không còn nguồn tiền để tái đầu tư (gọi là dòng tiền Petrodollar) vào thị trường trái phiếu Mỹ. Dòng tiền Petrodollar lần đầu tiên bị âm trong năm 2014.

H1-Mua ròng của nước ngoài đối với trái phiếu chính phủ Mỹ


Việc Nga và Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ không phải là một hành động mang tính phòng vệ mà là một chiến lược lâu dài trong việc hạ bệ sự thống trị của đồng USD và nâng cao vị thế của đồng Rúp Nga -Nhân Dân tệ.

Trung Quốc muốn duy trì tỷ giá đồng NDT và USD ở mức 6.4, nhằm đảo bảo không bị đảo ngược dòng vốn, nên đã bán tháo các tài sản định danh bằng đồng USD (bao gồm trái phiếu Mỹ), từ đó bán đồng USD và hỗ trợ cho đồng NDT khỏi mất giá. Ước tính, Trung Quốc đã giảm hơn 400 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ trong năm nay. Chính điều này khiến quỹ dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sụt giảm từ mức 4,000 tỷ USD vào giữa tháng 6 năm 2014  xuống dưới 3,600 tỷ USD ở thời điểm hiện tại. Đáng chú ý, tỷ lệ các tài sản định danh bằng đồng USD đã giảm xuống còn 54% so với mức 74% vào năm 2006 (theo Wall Street Journal). Trung Quốc đã tăng cường nắm giữ các tài sản bằng đồng Euro và thậm chí cả đồng Đôla Úc.

Nga cũng hỗ trợ cho đồng nội tệ khỏi bị mất giá sâu hơn bằng cách bán trái phiếu Mỹ để đổi sang đồng Ruble. Ước tính Nga đã giảm hơn 40% lượng trái phiếu chính Phủ Mỹ từ tháng 6.2014-tháng 6.2015, xuống còn khoảng 66 tỷ USD.

 Cả Nga và Trung Quốc đều đang tích cực mua vàng nhằm hướng tới đảm bảo giá trị tiền tệ bằng vàng như công bố hồi giữa tháng 8.2015. Mặc dù Nga đang chật vật bởi giá dầu thấp, nhưng trữ lượng vàng trong quỹ dự trữ ngoại hối của Nga tiếp tục tăng lên, hiện đang ở mức trên 1,200 tấn vàng. Trong khi đó, Trung Quốc, theo một số nguồn tin từ trang Zerohedge đã có trữ lượng vàng lên tới hơn 6,000 tấn (vượt xa con số công bố chính thức 1,658 tấn)

Giữa Nga và Trung Quốc còn tăng cường giao dịch thương mại bằng đồng NDT và đồng Rúp. Đặc biệt, trong bối cảnh Nga bị cấm vận bởi phương Tây và quay sang bán dầu cho Trung Quốc, thị phần dầu mỏ của Nga tại Trung Quốc đang tăng lên trong khi thị phần của Saudi Arabia sụt giảm, vì vậy Trung Quốc đang dần đồng ý với Nga trong tương lai có thể bán dầu bằng đồng Rúp. Nga-Trung đang thiết lập các hoán đổi tiền tệ trị giá 25 tỷ  USD vào tháng 10 năm 2015, đồng thời vào đầu năm 2015 đưa ra hợp đồng tương lai giữa đồng NDT và Rúp.

Trong khi nước ngoài liên tục bán ròng Trái phiếu chính phủ Mỹ, các quỹ của Mỹ đang giúp chính phủ nước này đỡ thị trường. Tính đến tháng 10.2015, các nhà đầu tư Mỹ đã gia tăng thị phần thêm 2.1% lên mức 33.1% trên thị trường nợ của chính Phủ Mỹ. Đáng chú ý, trong năm nay, các quỹ đầu tư của Mỹ đã mua hơn 42% trong lượng 1,600 tỷ trái phiếu được đấu thấu. Cho đến năm 2011, thường các quỹ của Mỹ chỉ mua khoảng 18% trong các phiên đấu thầu. Tuy nhiên, lực đỡ của các nhà đầu tư Mỹ vẫn không đủ mạnh và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã tăng từ mức 1.7% từ đầu năm lên mức trên 2.2% ở thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, điểm đáng sợ nhất là việc Nga và Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ đã châm ngòi cho sự thanh khoản ngày càng yếu đi trên thị trường trái phiếu Mỹ. Ông Vua trái phiếu, Bill Gross, đã cảnh báo thanh khoản thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới đang sụt giảm sau khi nước ngoài bán ròng. Hình 2 cho thấy, các nhà kinh doanh lớn (đóng vai trò người tạo lập thị trường) trên thị trường trái phiếu đã cắt giảm vị thế trị giá từ 524 tỷ USD vào năm 2007 xuống còn 170 tỷ USD vào tháng 7.2015. Thông tin từ FED cũng cho biết, các nhà tạo lập thị trường cũng giảm tỷ lệ tham gia vào các phiên đấu thầu trái phiếu từ mức 53% vào năm 2010 xuống còn 37% ở thời điểm hiện tại.

Hình 2: Độ lớn vị thế của các nhà tạo lập thị trường
 về trái phiếu đang sụt giảm.


Sự khó khăn về thanh khoản trên thị trường trái phiếu chính phủ đã kéo theo sụt giảm thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo khảo sát của Goldman Sachs, lần đầu tiên tồn kho trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 10 năm nay của các ngân hàng đầu tư lớn (nhà tạo lập thị trường) đã giảm xuống dưới 0, là dấu hiệu cho thấy các nhà kinh doanh trái phiếu đang giảm bớt sự tham gia vào thị trường.

Cuôc chiến dầu mỏ- tiền tệ 2016 sẽ đẩy toàn cầu vào suy thoái?

Để bảo vệ cho đồng nội tệ khỏi bị mất giá bởi làn sóng tháo vốn, các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, Nga, Brazil và hàng loạt các thị trường mới nổi khác đã phải bán quỹ dự trự ngoại hối để bình ổn thị trường. Trong bài viết: Cục diện thị trường tài chính thế giới” đăng tải vào ngày 19.10.2015 trên báo ĐTTC, chúng tôi đã cảnh báo sự sụt giảm trong quỹ dự trữ ngoại hối toàn cầu đang tương ứng với rủi ro tăng lên (đo lường bởi chỉ báo VIX CBOE).

Trong nửa đầu năm 2016, làn sóng tháo vốn khỏi thị trường mới nổi có thể tiếp tục tăng lên khi đồng USD mạnh trở lại. Từ năm 2014, Mỹ đã sử dụng đồng thời cả đồng USD mạnh lẫn nguồn cung từ dầu đá phiến để làm hạ giá dầu thế giới. Nhưng vào năm 2016, theo dự báo của IEA, Mỹ sẽ phải giảm sản lượng sản xuất dầu nên sự mạnh lên của đồng USD sẽ đóng vai trò quan trọng trong diễn biến thị trường tài chính toàn cầu.  

Người châm ngòi cho làn sóng mạnh lên của đồng USD có thể là chủ tịch Draghi của ECB. Thậm chí khi FED trì hoãn việc tăng lãi suất thì việc ECB tiếp tục nới QE cũng đã đủ khiến cho đồng USD tiếp tục tăng giá và giá dầu tiếp tục sụt giảm. Liên tục từ giữa tháng 10 cho đến nay, Draghi luôn có những phát biểu mang tính chất bồ câu, ủng hộ cho việc mở rộng QE trong phiên họp tới vào ngày 4.12.2015.

Sợi dây liên kết khiến nước Mỹ cũng khó tránh khỏi thiệt hại trong cuộc chiến này, các thị trường mới nổi có thể tiếp tục bán tháo trái phiếu Mỹ để có nguồn tiền cứu trợ cho đồng nội tệ của họ. Lợi suất trái phiếu tăng lên sẽ khiến cho nền kinh tế Mỹ sụt giảm.

Nếu ECB giữ đúng cam kết sẽ kết thúc chương trình QE vào tháng 9.2016, khả năng trong nửa cuối năm 2016, đà tăng của đồng USD sẽ dừng lại và quay đầu giảm giá. Quan sát của chúng tôi cho thấy, giữa ECB và FED luôn có sự phối hợp hành động và hỗ trợ cho đồng tiền của nhau trong chu kỳ khoảng trung bình 2 năm. Đồng Euro đã mất giá mạnh từ cuối tháng 4.2014 (đồng nghĩa đồng USD mạnh lên) nên dự báo đến khoảng giữa năm 2016, sự mất giá của đồng Euro sẽ dừng lại.

Trương Minh Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét