Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

THỊ TRƯỜNG LÀ GÌ?


“… là lòng tham và nỗi sợ hãi”

Lời mở đầu
Bài viết này thực ra được tôi hoàn tất vào năm 2010 khi tham gia một buổi hội thảo vào tháng 4.2010 do Đại Học Kinh Tế TP.HCM tổ chức về chủ đề ứng dụng phân tích kỹ thuật tại Việt Nam. Đây là cơ hội để tôi cụ thể hóa những nghiên cứu được thực hiện trong suốt 2 năm từ 2009-2010 về thị trường tài chính. Bài viết này mô tả quá trình biến đổi tư duy của tôi thành một astro-analyst.


Bản chất của thị trường tài chính là câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi sau khi tốt nghiệp vào tháng 6.2008. Tại thời điểm này, cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu lan rộng và nó đặt dấu chấm hết cho tư tưởng thị trường tự do, điều tôi được học trong ghế nhà trường. Tôi tự hỏi: “nếu như học thuyết thị trường hiệu quả không thể hiện đúng bản chất của thị trường tài chính, vậy cơ sở nào để phân tích một cách đúng đắn thị trường tài chính?” Nhưng tự tôi không thể trả lời câu hỏi này.

Vào một ngày (khoảng đầu năm 2009), khi vô tình đọc cuốn sách “Mô Thức Mới của Thị Trường Tài Chính” của George Soros, mọi thứ trong tôi thay đổi đột ngột. Lần đầu tiên, tôi được biết đến quan điểm cho rằng: con người có thể sai và hành động của họ không phải lúc nào cũng hợp lý trên thị trường tài chính (nếu nói thẳng ra thì chẳng khi nào là hợp lý). Các quyết định của nhà đầu tư thực chất chịu chi phối bởi cảm xúc hơn là lý trí. Điều này ngược lại với những gì tôi biết trước đó: con người luôn thông minh và hành động một cách hợp lý vì lợi ích của chính mình. Cuốn sách của Soros do đó, tạo nên một bước ngoặt thay đổi đối với tôi. Tôi tìm nhiều tài liệu về chủ đề sự bất hợp lý của con người. Thực ra, đây không phải là chủ đề quá mới mẻ. Nó vốn dĩ được đề cập từ rất lâu nhưng tôi không chú ý đến. Với chỉ hơn 4 tiếng đồng hồ được nghe ở giảng đường đại học, thực sự trong tôi không hề có chút lắng động về chủ đề này.

Tính bất hợp lý của con người là động cơ thúc đẩy tôi quay trở về tìm hiểu “chiêm tinh học”, vốn được xem là bộ môn khoa học cổ xưa về tâm lý con người. Và tôi cũng quay trở lại nghiên cứu sâu hơn về phân tích kỹ thuật, cũng là một công cụ nghiên cứu tâm lý hành vi của các nhà đầu cơ, đầu tư trên thị trường tài chính (có lẽ xuất hiện từ thế kỷ thứ 18). Đây là những nghiên cứu vốn đã phát triển từ rất lâu trước khi ngành tài chính hiện đại ra đời.

Tôi rất thích câu nói của tác giả Dan Brown, trong cuốn sách “Biểu Tượng Thất Truyền”: “Khoa học hiện đại chẳng qua chỉ khám phá lại những gì mà người xưa đã biết. Chúng ta chỉ mới chạm đến bề mặt…” Tâm lý, ý thức con người có nhiều khía cạnh mà chúng ta ngày nay vẫn chưa hiểu hết được. Trong khi khoa học hiện đại đang nỗ lực nghiên cứu về tâm lý con người thì từ thời Babylon, người xưa đã đúc kết hiểu biết của họ về tâm lý con người trong chiêm tinh học.

Thay đổi nhận thức vốn là chìa khóa của sự phát triển. Quả thực, trong khi nhiều ngành khoa học như vật lý, y học… đã đạt được nhiều thành tự mới mẻ vì những thay đổi trong phương pháp luận thì ngành tài chính hiện đại đang dâm chân tại chỗ và thụt lùi (Thứ lỗi với bạn đọc, đây là câu nói tôi trích lại từ Bill William). Sở dĩ các ngành khác ngày càng phát triển vì họ đã ứng dụng tư tưởng của Heraclit (Không ai tắm hai lần trên một dòng sông) hơn là đắm chìm trong quan điểm của Plato/Sokrate[1] (so-ca-rít) như ngành tài chính (quan điểm bất biến) .

Phần I: Quan điểm về bản chất thị trường chứng khoán
Quan niệm về thị trường tài chính có một vai trò quyết định trong việc định hình cách thức sử dụng phương pháp phân tích của mỗi nhà đầu tư hoặc đầu cơ. Tôi rút ra ba đặc điểm quan trọng:

-         Thị trường tài chính là lòng tham và nỗi sợ hãi.
-         Tương lai là thiên nga đen.
-         Thị trường tài chính có cấu trúc và tính chu kỳ. Thiên nga đen do đó thực chất là thiên nga xám.

1.     Thị trường chứng khoán là không hiệu quả.
Từ những năm 1980, lý thuyết thị trường hiệu quả được xem là lý thuyết nền tảng cho thị trường tài chính hiện đại. Trên nền tảng của lý thuyết thị trường hiệu quả, lần lượt các học thuyết như ATP, CAPM… ra đời và là cơ sở cho công việc quản lý quỹ. Các nhà phân tích gọi đây là trường phái phân tích cơ bản. Lý thuyết thị trường hiệu quả cho rằng, tất cả thông tin đều được phản ánh vào trong giá và do đó, dưới góc độ của lý thuyết này, việc đi tìm hiểu giá cả quá khứ để dự báo tương lai là “lãng phí thời gian”. Chính vì vậy, phân tích kỹ thuật, một trường phái phân tích về tâm lý của các nhà đầu cơ trên thị trường tài chính, không được giảng dạy một cách phổ biến ở các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Lý thuyết thị trường hiệu quả và trường phái phân tích cơ bản trở nên phổ biến và được xem như ‘chính thống” hay “dòng chính” trong khi phân tích kỹ thuật được xem như là “đáng hoài nghi” hoặc “phi chính thống”.
Tuy nhiên, nhiên cứu “The use of Technical Analysis by Fund managers: International Evidence” (tháng 4/2010) chỉ ra rằng, mặc dù phân tích kỹ thuật không được chấp thuận về mặt học thuật nhưng lại được các nhà thực hành tài chính sử dụng một cách rộng rãi. Theo đó, có 87% nhà quản lý quỹ sử dụng phân tích kỹ thuật để xử lý thông tin và có 22% nhà quản lý sử dụng phân tích kỹ thuật để đưa ra quyết định đầu tư. Ở tại thị trường chứng khoán Việt Nam, chưa có thống kê nào cho thấy mức độ sử dụng phân tích kỹ thuật, nhưng theo quan sát của tác giả, phân tích kỹ thuật ngày càng được các nhà đầu tư quan tâm. Bằng chứng là ngày càng nhiều trung tâm đào tạo về phân tích kỹ thuật, các câu lạc bộ phân tích kỹ thuật được mở ra.
Quay trở lại khía cạnh học thuật, mọi chuyện đã đổi khác từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Cuộc khủng hoảng này đã làm thay đổi suy nghĩ của các nhà học thuật về lý thuyết thị trường hiệu quả và thái độ của các nhà học thuật đối với những lý thuyết khác cũng thay đổi, trong đó có phân tích kỹ thuật.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã cho thấy sự thất bại của học thuyết thị trường hiệu quả. Mặc dù các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra nguồn gốc của cuộc khủng hoảng tài chính là việc chứng khoán hóa các sản phẩm thế chấp có nguồn góc từ thị trường địa ốc thiếu lành mạnh (như CDO, MBS, ABS…). Tuy nhiên,  nguyên nhân thực sự đằng sau chính là sự thất bại của triết lý tư tưởng thị trường hiệu quả.
John Maynard Keynes đã từng nói: “Tư tưởng của các nhà kinh tế học và các triết gia chính trị, dù đúng hay sai, đều có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn chúng ta tưởng. Thực tế, là thế giới này do một số rất ít người chi phối”. Chính triết lý thị trường hiệu quả đã tạo nên các chính sách kinh tế sai lầm từ những năm 1980.
Theo lý thuyết thị trường hiệu quả, thị trường luôn trở lại vị trí cân bằng dựa trên sự hoàn hảo của thông tin, phân phối và tổ chức hoạt động của thị trường. Các dao động chệnh khỏi vị trí cân bằng được cho là ngẫu nhiên và nhanh chóng trở lại vị trí cân bằng dưới các áp lực thị trường (ví dụ như hoạt động Arbitrage). Lý thuyết thị trường hiệu quả được hình thành dựa trên khái niệm thị trường hoàn hảo trong kinh tế học. Đến lượt nó, lý thuyết thị trường hiệu quả đem đến niềm tin “vững chắc hơn” về sự kỳ diệu của thị trường. Tư tưởng tự do hóa vì thế mà phát triển mạnh mẽ.
Tư tưởng tự do hóa thực chất đã xuất hiện từ rất sớm. Khi Adam Smith đề ra triết lý “bàn tay vô hình” vào thế kỉ 18, tư tưởng này bắt đầu nảy sinh. Người ta tin rằng, thị trường bản thân tự nó có thể sửa đổi các sai lầm và là một hình thức hiệu quả để phân phối các nguồn lực xã hội. Các thành viên khi tham gia vào thị trường với mục đích cá nhân có thể đem lại lợi ích cho toàn xã hội dưới sự dẫn dắt của “bàn tay vô hình”. 
Khi cuộc Đại khủng hoảng 1929-1933 nổ ra, các nhà kinh tế nhận thấy thị trường không hoàn hảo như Adam Smith vẫn nói. Thị trường trên thực tế không điều tiết được các nguồn lực kinh tế là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng thừa tồi tệ nhất trong lịch sử. Việc học thuyết Keynes ra đời và thay thế cho học thuyết kinh tế cổ điển khiến tư tưởng tự do hóa bị chìm lắng. Theo học thuyết Keynes, chính phủ phải có vai trò lớn hơn trong việc sửa chữa những thất bại của thị trường bằng cách đưa ra những quy định giám sát và hành động can thiệp. Sự ra đời của các định chế tài chính thế giới như IMF, ngân hàng thế giới cũng không nằm ngoài mục đích ổn định hệ thống tài chính thế giới. 
            
Tuy nhiên, chủ nghĩa tự do hóa đã trở lại vào những năm 1980 dưới thời tổng thống Ronald Reagan (Mỹ) và thủ tướng Margaret Thatcher (Anh), đã làm cho tư tưởng của Keynes rơi vào quên lãng. Reagan gọi đó là sự màu nhiệm của thị trường và là tín điều thống trị trong suốt thời gian ông cầm quyền. Sau khi các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ bởi mô hình kế hoạch hóa tập trung, các hành vi can thiệp của chính phủ bị đặt dưới một con mắt khinh ngại. Niềm tin vào sự hiệu quả của cơ chế thị trường do vậy càng lớn hơn trước. Sự sụp đổ của bức tường Berlin vào ngày 9.11.1989 thực sự là dấu mốc quan trọng của toàn cầu hóa, của cơ chế thị trường tự do trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Trong gần 30 năm trở lại đây, tư tưởng tự do hóa đã lan ra cả thị trường tài chính. Nước Mỹ dần nới lỏng các nguyên tắc quản trị rủi ro nhằm thúc đẩy quá trình tự do hóa tài chính. Đạo luật bức tường lửa Glass-Steagall được thay thế bởi Đạo luật Glamm-Leach-Bliley, cho phép các ngân hàng thương mại tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh mạo hiểm như nghiệp vụ chứng khoán hóa và bán các khoản vay bất động sản. Đầu thập niên 90, nước Mỹ đã truyền bá chủ nghĩa tự do cạnh tranh ra cả thế giới bằng cách đưa ra cái gọi là “Đồng thuận Washington”. Bản chất của Đồng thuận Washington chính là các chính sách cải cách kinh tế theo định hướng thị trường tự do nhằm biến các nền kinh tế trở nên tự do hơn giống như các nền kinh tế ở thế giới thứ nhất (mà Mỹ là đại diện). Mặc dù đồng thuận Washington đưa ra các kỷ luật trong thực thi chính sách tài chính nhưng các nước như Mỹ, Anh vẫn thường bóp méo nó.
Khi tư tưởng tự do hóa lan rộng, các hàng rào kiểm soát được dỡ bỏ nhằm thúc đẩy quá trình chu chuyển dòng vốn giữa các quốc gia. Các quốc gia vì thế đã trở nên gắn bó hơn trong quá trình tự do hóa tài chính. Sự tiêu dùng của người Mỹ đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Nhưng ngược lại, chính Trung Quốc đã tài trợ cho sự thâm hụt ngân sách của Mỹ bằng cách đầu tư lớn vào trái phiếu chính phủ Mỹ. Thị trường tài chính càng được mở rộng, các sản phẩm tài chính của Mỹ không chỉ được giới hạn trong khuôn khổ nước Mỹ mà các định chế tài chính ở Châu Âu, Châu Á cũng nắm giữ các sản phẩm đó.
Chính lòng tin vào khả năng thị trường tự điều chỉnh, Fed đã không tham gia can thiệp để ngăn chặn các thảm họa trên thị trường tài chính như cuộc sụp đổ của Lehman Brothers (ngày 15.9.2008)…Cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng và tạo nên đợt suy giảm kinh tế tồi tệ nhất từ năm 1930.
Trong phiên điều trần trước Thượng viện về trách nhiệm của mình trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Alan Greenspan đã nói: “Tôi bị sốc vì mất niềm tin” (Nguồn: “Kỷ nguyên hỗn loạn”, tự truyện của Alan Greenspan, 2008). Niềm tin của Alan Greenspan chính là niềm tin vào sự hiệu quả của thị trường tài chính mà theo đó, tự bản thân thị trường có thể điều chỉnh lại những biến động bất thường trên thị trường tài chính để đưa giá cả trở lại trạng thái cân bằng. Nhưng cuộc khủng hoảng năm 2008 đã cho thấy thị trường đã thất bại để tự điều chỉnh.
Trong tác phẩm “Mô thức mới cho thị trường tài chính”, George Soros đã chỉ trích lý thuyết thị trường hiệu quả. Theo Soros, thị trường tài chính có một đặc điểm được gọi là “tính phản hồi”. Tính phản hồi là khả năng tác động của nhà đầu tư đến giá trị nội tại của cổ phiếu. Chính khả năng tác động đó đã khiến cho giá cả không có xu hướng trở về giá trị nội tại như thuyết thị trường hiệu quả vẫn nói.
Thuyết phản hồi và thuyết thị trường hiệu quả không hề cùng tồn tại. Soros nói: “Nếu thuyết thị trường hiệu quả đúng, thì tính phản hồi không thể tồn tại. Cũng thế, nếu thuyết phản hồi đúng thì thuyết cân bằng không có giá trị”.
Như vậy, sự thất bại của lý thuyết thị trường hiệu quả đã cho thấy chúng ta có thể sử dụng các học thuyết khác để phân tích thị trường tài chính. Lý thuyết thị trường hiệu quả không phải là lý thuyết duy nhất cho thị trường tài chính.
Quan điểm của những người theo học thuyết thị trường tự do luôn tin tưởng vào tư duy hợp lý của con người trong mọi giao dịch tài chính. Nhưng thực chất, con người kinh tế đã tuyệt chủng, theo như tên gọi của một cuốn sách cùng tên của Michael Shermer.
Tôi ưa thích góc nhìn của Shermer vì nó sử dụng một phương pháp rất hiện đại, nghiên cứu về quá trình tiến hóa của bộ não con người đề phù hợp cuộc sống săn bắt hái lượm sang cuộc sống thị trường tiêu dùng-buôn bán. (bạn nên tìm đọc cuốn sách này: “Sự tuyệt chủng của con người kinh tế”.)

Tôi có thể đưa ra một ví dụ cụ thể nhưng đằng sau nó cũng là một lời khuyên từ góc độ tài chính hành vi. Theo nghiên cứu của Bnutson, “bất cứ khi nào các đối tượng nghiên cứu đưa ra quyết định đầu tư mạo hiểm…,khu vực não bộ hoạt động tích cực nhất (sử dụng công nghệ chụp MRI-cộng hưởng từ lên bộ não để biết) là vùng NAcc có kích thước bằng hạt lạc, liên quan đến sự thưởng công và hưng phấn. Đáng chú ý, NAcc có liên hệ với vùng được coi là trung tâm hưng phấn của bộ não được nạp đầy chất dopamine và bị kích thích cao độ khi có hành vi sử dụng chất cocaine hay giao hợp. Nghiên cứu của James Old và Peter Milner vào năm 1954 đã cho thấy ở tất cả các loài động vật có vú, kể cả con người-vùng NAcc bị kích thích tạo cảm giác cực khoái như khi giao hợp…Knutson nhận thấy mỗi khi người được thí nghiệm lựa chọn đầu tư an toàn, vùng thùy đảo trước sẽ hoạt động tích cực. Chúng ta biết thùy đảo có liên quan với quá trình tạo cảm xúc tiêu cực, do đó, thùy đảo trước có thể hãm lại các quyết định đầu tư mạo hiểm.”

Giữa hai vùng trên không phải là tách biệt mà có sự đấu tranh qua lại trong quá trình ra quyết định. Nếu NAcc hoạt động mạnh hơn, con người có khuynh hướng lựa chọn đầu tư mạo hiểm. Ngược lại, thùy đảo trước mạnh hơn, con người ưa thích sự an toàn.

Đây chính là lý do giải thích tại sao trong các sòng bài lớn luôn được bố trí những cô gái phục vụ xinh đẹp (thậm chí là sexy tùy theo cách hiểu của bạn), đồ ăn ngon, trang trí đẹp, và kể cả ánh sáng, âm nhạc nhằm tạo nên hiệu ứng kích thích lên vùng NAcc. Lúc này, bạn sẽ ưa thích lựa chọn mạo hiểm hơn, liều lĩnh hơn và sẵn sàn chi nhiều tiền hơn vào các ván bài. Rõ ràng, đây là chiêu mốc túi của những người có hiểu biết về nghệ thuật tâm lý.

Hiểu biết điều này cũng là một lời khuyên đối với các nhà đầu cơ. Đừng nên vừa giao dịch tài chính vừa xem những bộ ảnh hoặc cuốn phim sexy vì nó sẽ khiến cho bạn bị kích thích và hướng đến đầu cơ mạo hiểm. Điều cần thiết là cái đầu lạnh khi giao dịch.

Đây là những minh chứng cho thấy các quyết định tài chính chịu tác động từ yếu tố tâm lý hơn là các tư duy hợp lý.

[còn tiếp]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét