Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Phần II: Bí quyết đầu tư thành công.

1.     Chiến lược đầu tư (hoặc là quy tắc đầu tư) đúng quan trọng hơn dự báo đúng xu hướng.

Những phân tích về bản chất thị trường tài chính cho thấy rằng, tương lai là một điều không chắc chắn. Chúng ta không thể biết được một cách đầy đủ và chắc chắn điều gì sẽ xảy ra tương lai. Không có một “chén thánh” nào để biết được mọi chuyện trong tương lai. Giống như Keynes đã từng nói: phải học cách ra quyết định trong một thị trường tài chính không chắc chắn về tương lai. Do đó, khi áp dụng phân tích kỹ thuật, không nên quá đặt nặng vào vấn đề dự báo. Mặc dù dự báo đúng xu hướng thị trường là mục tiêu của mỗi nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường nhưng điều quan trọng hơn hết là phải có chiến lược đầu tư (hoặc quy tắc đầu tư) đúng đắn.


Một điều quan trọng cần phải nhớ rằng, sự khác biệt giữa một nhà đầu tư thành công và nhà đầu tư thua lỗ không được quyết định bởi tỷ lệ chính xác trong dự báo mà là ở chỗ ai là người sống sót được trên thị trường. Giả sử hai nhà đầu tư trên cùng tham gia vào thị trường trong 10 lần mua bán. Nhà đầu tư thua lỗ dự báo đúng 9 lần xu hướng thị trường và chỉ sai duy nhất một lần. Trong khi đó, nhà đầu tư thành công chỉ dự báo đúng 5 lần và sai 5 lần. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi nhà đầu tư thua lỗ lại mất tất cả số tiền trong 1 lần sai duy nhất. Trong khi đó, nhà đầu tư thành công hạn chế được thua lỗ trong mỗi lần dự báo sai thị trường. Do đó, để đầu tư thành công trên thị trường, bạn phải thiết lập các quy tắc đầu tư và phải tuân thủ các quy tắc đó.

W.D Gann (45 years in Wall Treet, 1949) chỉ ra 3 lý do giải thích tại sao phần lớn các nhà đầu tư đều bị thua lỗ? Có 3 lý lo chính:
1.     Họ không đặt lệnh dừng lỗ
2.     Họ đã đầu tư quá nhiều hay nói cách khác là mua bán liên tục cho số vốn của họ.
3.     Họ thiếu kiến thức. Đây là điều quan trọng nhất.

Điều đầu tiên là bạn nên nhận ra rằng bạn có thể mắc phải sai lầm khi đầu tư; bạn phải biết làm cái gì để sữa chửa sai lầm của bạn. Cách làm điều đó là giới hạn rủi ro của bạn bằng cách đặt lệnh dừng lỗ. Sau đó nếu như bạn sai lầm, chứng khoán sẽ tự động được bán và bạn sẽ ở vào vị thế sắn sàng tham gia trở lại thị trường khi bạn có một chỉ báo đúng. W.D Gann nói: “Hãy nhớ rằng khi bạn đầu tư, bạn có thể sai, do đó hãy nên đặt một lệnh dừng lỗ để bảo vệ bạn”. (45 years in Wall Treet, 1949).

Một điều thật đáng tiếc là thị trường chứng khoán Việt Nam lại không có lệnh dừng lỗ. Trong khi tất cả các thị trường tài chính trên thế giới có lệnh này thì các cơ quan quản lý thị trường Việt Nam lại bỏ quên nó. Mặc dù chúng ta đang ở thời điểm sửa luật chứng khoán, nhưng không ai quan tâm đến loại lệnh này. Cái mà mọi người quan tâm là tỷ lệ margin, cầm cố…tức các công cụ đòn bẩy. Các nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam giống như người lính ra chiến trường chỉ cố gắng mang theo thật nhiều giáo, mác, gươm để tấn công trong khi lại quên mất rằng phải mang áo giáp, hoặc chiêng đỡ để phòng thủ khi đối phương tấn công. Nên nhớ rằng, “trước khi nghĩ đến lợi nhuận, hay đảm bảo rằng bạn có thể sống sót trên thị trường”.

W.D.Gan, nhà đầu cơ vĩ đại từng viết “Đầu tư hoặc đầu cơ là cách kinh doanh tốt nhất trên thế giới. Nhưng để thành công, bạn phải nghiên cứu, không nên đoán, hoặc dựa trên các thông tin nội gián hoặc lệ thuộc vào lòng tham hoặc nỗi sợ hãi. Nếu bạn vi phạm điều này, bạn sẽ thất bại. Thành công của bạn phụ thuộc vào hiểu biết những quy tắc đúng và tuân theo chúng.” Gann từng nói rằng, các luật gia, bác sĩ, kỹ sư thành công vì họ đã dành 2 đến 5 năm nghiên cứu và thực tập trước khi kiếm tiền. Thật đáng buồn vì ít ai trên phố Wall có sự chuẩn bị, nghiên cứu như vậy. Bản thân Gann cũng dành 10 năm không giao dịch để nghiên cứu trước khi trở thành nhà đầu cơ vĩ đại, được mệnh danh là “ông chủ của thị trường”.

Nhằm có được một giao dịch thành công trên thị trường chứng khoán, các trader phải có các quy tắc đúng và tuân theo chúng.  Sau đây, tôi giới thiệu 24 quy tắc dựa trên các kinh nghiệm cá nhân của W.D.Gann để các bạn đọc tham khảo.

24 QUY TẮC KHÔNG BAO GIỜ THẤT BẠI CỦA W.D.Gann

1.     Số vốn sử dụng: Chia vốn của bạn thành các phần bằng nhau và không bao giờ rủi ro hơn 1/10 số vốn của bạn trong bất cứ lần đầu tư nào.
2.     Sử dụng lệnh dừng lỗ. Luôn luôn bảo vệ giao dịch khi bạn sử dụng lệnh dừng lỗ với 3 đến 5 điểm.
3.     Không bao giờ giao dịch quá mức (overtrade). Điều này sẽ làm bạn vi phạm quy tắc vốn.
4.     Không bao giờ để một khoản lợi nhuận thành thua lỗ. Sau khi bạn đã có một khoản lợi nhuận khoảng 3 điểm hoặc nhiều hơn, hãy nâng lệnh dừng lỗ của bạn lên để bạn không bị mất vốn.
5.     Không nên đón xu hướng. Không bao giờ mua hoặc bán nếu bạn không chắc xu hướng sẽ diễn ra như thế nào.
6.     Khi bạn nghi ngờ, hãy thoát ra ngoài, và chỉ tham gia vào thị trường khi không còn nghi ngờ.
7.     Chỉ đầu tư với các chứng khoán năng động, nên tránh các chứng khoán chuyển động chậm.
8.     Cân bằng rủi ro, đầu tư vào 4 hoặc 5 chứng khoán nếu có thể. Tránh tập trung vốn của bạn vào bất kỳ một chứng khoán nào.
9.     Không bao giờ giới hạn lệnh của bạn hoặc cố định một mức giá mua hoặc bán. Giao dịch theo thị trường.
10.  Đừng kết thúc giao dịch mà không có một lý do hợp lý. Theo sau là một lệnh dừng lỗ để bảo vệ lợi nhuận của bạn.
11.  Tích lũy thặng dư. Nếu bạn đã làm một loạt các vụ đầu tư thành công, hãy đặt tiền của bạn vào một tài khoản thặng dư để sử dụng lúc cần thiết.
12.   Không bao giờ mua để nhận cổ tức.
13.   Không bình quân thua lỗ. Đây là một sai lầm tồi tệ nhất mà một trader thực hiện.
14.   Không bao giờ thoát ra khỏi thị trường chỉ vì bạn mất kiên nhất hoặc tham gia vào thị trường vì bạn căng thẳng để chờ đợi.
15.   Tránh những khoản lợi nhuận nhỏ và lỗ lớn
16.    Không bao giờ hủy lệnh dừng lỗ sau khi đã đặt nó.
17.    Tránh vào và ra quá nhiều.
18.  Chỉ sẵn sàng bán khống khi bạn đang ở vị thế mua. Điều này nhằm hướng tới mục tiêu của bạn là luôn đi cùng với xu hướng và kiếm tiền.
19.  Không bao giờ mua chỉ vì giá chứng khoán thấp hoặc bán khống chỉ vì giá đã cao.
20.  Đừng tăng cường vị thế theo mô hình kim tự tháp (pyramid) tại thời điểm không thích hợp. Chờ cho đến khi chứng khoán trở nên năng động và đã có một mức kháng cự bị vượt qua trước khi mua vào, và chờ đến khi chứng khoán phá vỡ vùng phân phối trước khi bán nhiều hơn.
21. Chọn các chứng khoán có khối lượng cổ phiếu đang lưu hành nhỏ để tăng cường vị thế mua theo mô hình kim tự tháp, và những chứng khoán đang lưu hành lớn nhất để bán khống.
22.  Không bao giờ hedge. Nếu bạn đang nắm giữ một chứng khoán không nên bán một chứng khoán khác để phòng ngừa nó. Thoát ra khỏi thị trường, chấp nhận mức lỗ và chờ một cơ hội khác.
23. Không bao giờ thay đổi vị thế trên thị trường mà không có một lý do thuyết phục. Khi bạn đang giao dịch, hãy có một lý do và tuân theo kế hoạch. Không nên thoát ra khỏi thị trường mà không có một chỉ báo đúng nào về sự thay đổi xu hướng
24.Tránh gia tăng đầu tư sau khi đã nắm giữ thành công (có lợi nhuận) trong một thời gian dài.

2.     Hãy bắt đầu bằng phân tích kỹ thuật trong dài hạn

Theo nghiên cứu của Lukas Menkhoff (2010), phần lớn các nhà quản lý quỹ sử dụng phân tích kỹ thuật cho các khung thời gian ngắn như tuần. Tại Việt Nam, rất nhiều người cho rằng, phân tích kỹ thuật cũng chỉ phù hợp cho ngắn hạn. Đây là một quan niệm sai lầm. Không một nghiên cứu nào cho thấy phân tích kỹ thuật là không phù hợp cho phân tích dài hạn. Vấn đề ở đây là triết lý phân tích kỹ thuật. Việc sử dụng phân tích kỹ thuật cho khung thời gian ngắn như tuần cho thấy rằng bạn không quan tâm đến xu hướng thị trường trong dài hạn hoặc là bạn cho rằng, xu hướng thị trường chỉ tồn tại trong ngắn hạn còn dài hạn sẽ trở về vị trí cân bằng (bị ám ảnh bởi thuyết thị trường hiệu quả).

Tuy nhiên, nghiên cứu của Minsky và của W.D.Gann cho thấy, thị trường tài chính là có tính chu kỳ. Nói cách khác, xu hướng của thị trường thường kéo dài trong một thời gian dài (có thể kéo dài hàng chục năm). Do đó, việc phân tích chu kỳ là rất quan trọng để xác định xu hướng thị trường trong dài hạn. Trên cơ sở đó, bạn thu hẹp dần khung thời gian phân tích.

Đối với nhà đầu tư, việc xác định xu hướng cho một năm là rất quan trọng. W.D.Gann nói: “luôn luôn xem xét lại dự báo hằng năm, hoặc khung thời gian lớn hơn để đánh giá xu hướng thị trường có thay đổi không trước khi thay đổi quyết định đầu tư.” Nếu như bạn không xác định được xu hướng dài hạn của thị trường, điều này sẽ khiến bạn rơi vào việc vi phạm quy tắc của W.D.Gann là giao dịch quá mức (overtrade) và không tuân theo xu hướng thị trường.

Ở thị trường chứng khoán Việt Nam, phân tích xu hướng dài hạn còn có ý nghĩa rất quan trọng vì rủi ro T+4. Nếu tham gia mua vào một xu hướng tăng giá quá nhỏ sẽ khiến cho bạn dễ thua lỗ vì không thể bán chứng khoán theo quy định T+4.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.     “Mô thức mới cho thị trường tài chính”, George Soros, 2008.
2.     “Giải pháp Keynes, con đường dẫn đến sự thịnh vượng toàn cầu”, Paul Davison, 2009.
3.     “Thiên Nga Đen”, Nassim Nicholas Taleb, 2007.
4.     “The use of Technical Analysis by Fund managers: International Evidence” Lukas Menkhoff, tháng 4.2010.
5.     “Nguồn gốc khủng hoảng tài chính”, George Cooper.
6.     “45 years  in Wall Street”, W.D.Gann, 1949.
7.     “Kỷ nguyên hỗn loạn”, tự truyện của Alan Greenspan, 2008.
8.     “Trading Chaos applying expert techniques to maximize your profits”, Bill William.
9.     “Sự tuyệt chủng của con người kinh tế”, 2008, Michael Shermer.

Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét