Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

Cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu và dược phẩm sẽ lên ngôi?


Chu kỳ xoay vòng cổ phiếu: Sau thép, dầu là đến nhu cầu thiết yếu và dược phẩm
Sơ đồ xoay vòng các lĩnh vực cổ phiếu (Stock Sector Rotation) cho thấy, sau khi các cổ phiếu ngành vật liệu công nghiệp (basic industry materials) như sắt, thép và giá năng lượng (energy/Precious Metal) tắt sóng, nhà đầu tư sẽ tìm đến cổ phiếu ngành tiêu dùng thực phẩm thiết yếu (consumer staples) và nhóm ngành dược phẩm-chăm sóc sức khỏe (Health Care-Drugs). Đây là hành vi xoay vòng nhóm cổ phiếu được các nhà phân tích liên thị trường thừa nhận rộng rãi. Thông thường, khi nhóm ngành vật liệu xây dựng và năng lượng tăng mạnh, trên thị trường sẽ bắt đầu xuất hiện tín hiệu của lạm phát và những vấn đề trục trặc nhẹ của kinh tế vĩ mô.

Biểu đồ vòng xoay các lĩnh vực cổ phiếu theo chu kỳ

Thực tế, các đợt sóng cổ phiếu vật liệu cơ bản và năng lượng trong 10 tháng năm 2016 cũng trùng khớp với diễn biến của lạm phát theo từng nhóm ngành. Theo đó, chỉ số giá CPI tháng 10 của Việt Nam vừa được công bố bất ngờ tăng mạnh 4.09% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2016, chỉ số CPI tăng 2.27% so với cùng kỳ. Trong 10 tháng qua, lĩnh vực nhà ở và vật liệu xây dựng có mức tăng trưởng cao thứ hai trong các nhóm ngành, với mức tăng 2.32%. Điều này khiến các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán không hề ngạc nhiên, với con sóng tăng trưởng gấp 2-4 lần so với đáy tháng 2.2016 của nhóm cổ phiếu thép như HPG (Thép Hòa Phát), HSG (Tôn Hoa Sen), NKG, VGS, VIS. Việc áp dụng thuế chống bán phá giá cho ngành thép đã khiến giá thép trong nước tăng lên, đem đến sự ủng hộ tích cực của cổ phiếu thép. Ngoài ngành thép, các ngành gạch-đá cũng chứng kiến nhiều cổ phiếu với mức tăng gấp đôi như KSB (Khoáng Sản Bình Dương), NNC (Đá Núi Nhỏ), DHA (Đá Hóa An), CVT (Gạch CMC), VIT (Viglacera Tiên Sơn), TLT (Viglacera Thăng Long), TTC (Gạch men Thanh Thanh)...



Nhóm ngành nhiên liệu, năng lượng không phải là khoản mục chính được tổng cục thống kê công bố. Tuy nhiên, trong chỉ số CPI tháng 10, chỉ số giá nhiên liệu tăng 4.14% so với cùng kỳ năm 2015, đóng góp đáng kể vào việc tăng CPI tháng 10.2016. Trên thị trường cổ phiếu, việc giá dầu tăng trưởng 50% từ tháng 2.2016 đến đỉnh tháng 10.2016, đã giúp giá các cổ phiếu ngành dầu khí như GAS, PVD, PVS có mức tăng trưởng từ 40%-70%. Sóng dầu mỏ thường được gọi là sóng cuối của chu kỳ tăng trưởng vì giá dầu tăng sẽ dẫn đến áp lực tăng lên của lạm phát.
Khi áp lực lạm phát tăng lên, sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều biến số kinh tế khác như lãi suất, tỷ giá và thị trường chứng khoán bước vào chu kỳ con gấu. Trong thị trường con gấu, các lĩnh vực như thực phẩm thiết yếu và dược phẩm là cổ phiếu phòng thủ ưa thích cho các nhà đầu tư. Dựa trên mô hình vòng xoay của cổ phiếu, rõ ràng đây là hai lĩnh vực mà các nhà đầu tư cần quan tâm trong bối cảnh hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tôi cho rằng, có ba lý do để cần quan tâm đến các cổ phiếu thuộc lĩnh vực thiết yếu và dược phẩm.

Thứ nhất, cả hai ngành này đang được hưởng lợi từ việc tăng giá bán. Trong 10 tháng năm 2016, lĩnh vực thuốc và dịch vụ y tế đã tăng giá tới 24.3% so với cùng kỳ năm ngoái, là lĩnh vực có mức độ lạm phát cao nhất trong năm 2016 theo công bố của Tổng Cục Thống Kê. Cũng trong thời gian này, lĩnh vực hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2.24% so với cùng kỳ, là nhóm có mức độ lạm phát cao thứ tư trong 11 nhóm ngành mà Tổng Cục Thống Kê quan sát.

Đáng chú ý, trong tháng 10, cả lĩnh vực hàng ăn-dịch vụ ăn uống và lĩnh vực thuốc-dịch vụ y tế là hai lĩnh vực tăng trưởng mạnh, lần lượt với mức tăng 2.61% và 46.84% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vào mùa cưới, kết hợp với bão lũ ở miền Trung khiến giá thực phẩm thiết yếu tăng. Trong khi đó, ngành y tế-dược phẩm được hưởng lợi từ chính sách do nhà nước cho phép điều chỉnh tăng giá hơn 1,900 dịch vụ y tế và viện phí kể từ tháng 6.2016.

Thứ hai, yếu tố mùa vụ như chuẩn bị cho dịp Tết Dương Lịch và Tết Nguyên Đán khiến ngành thực phẩm thiết yếu sẽ trở nên sôi động. Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao trong các dịp lễ hội. Đối với ngành y tế, lộ trình tăng giá của các dịch vụ y tế vẫn được tiếp tục vì hiện nay chỉ mới triển khai ở một số tỉnh thành lớn. Dự kiến đến 1/1/2017 mới áp dụng hết cho cả nước.

Ngoài ra, đối với ngành thực phẩm, nông nghiệp, diễn biến bất lợi của thời tiết, nhất là đợt El Nino trong năm 2016, dự kiến sẽ tạo ra sự thiếu hụt nguồn cung, yếu tố giúp đẩy giá ở một số ngành như đường, gạo và nhiều loại nông sản khác trong thời gian tới.

Thứ ba, Theo đánh giá của hãng BMI (Business Monitor International) trong bản báo cáo “Vietnam Food and Drink Report_Q4.2016” về ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam đang trở thành nhóm tốt (outperformer) ở các quốc gia đang phát triển ở Châu Á, chỉ sau Ấn Độ. Tăng trưởng tiêu dùng cá nhân của Việt Nam tăng 6% trong năm 2016 và 6.3% trong năm 2017 sẽ mang đến động lực cho ngành hàng thực phẩm. BMI dự báo tăng trưởng doanh số thực phẩm năm 2016 là 8.5% và dự kiến tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CARG) là 10.6% trong giai đoạn 2015-2010. Trong đó, nhóm ngành tiêu dùng thiết yếu (staple product) sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong doanh số thực phẩm.
  


Biểu đồ doanh số thực phẩm của Việt Nam, dự báo bởi BMI
Báo cáo kết quả kinh doanh tốt giúp cổ phiếu phòng thủ tạo điểm nhấn


Các cổ phiếu tiêu dùng và thực phẩm đang tỏ ra là cổ phiếu phòng thủ tốt ở giai đoạn hiện tại. Tính từ đầu tháng 10 đến nay, chỉ số VN-Index đã giảm gần 30 điểm, tức hơn 4%. Trong đó, cổ phiếu thuộc nhóm ngành vật liệu xây dựng cơ bản và dầu khí đều bị bán tháo mạnh. Từ cuối tháng 9, giá cổ phiếu HPG bị khối ngoại bán mạnh khiến giá giảm mạnh từ đỉnh 46,000 đồng/cổ phiếu xuống còn quanh ngưỡng 39,000-40,000 đồng/cổ phiếu (tương ứng giảm khoảng 13%). Trước đó, cổ phiếu HSG cũng đã thiết lập đỉnh vào đầu tháng 9 tại mức giá 45,000 đồng/cổ phiếu và hiện cũng đang ở mức giá quanh 40,000 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu thép khác như NKG, VGS.. nhìn chung cũng đã thiết lập đỉnh cao nhất năm vào cuối tháng 9 và hiện đang giảm hơn 20% từ đỉnh.

Sau khi nhóm cổ phiếu thép đạt đỉnh vào cuối tháng 9, đến lượt giá cổ phiếu dầu khí đang có dấu hiệu đạt đỉnh vào đầu tháng 10. Từ cuối tháng 9, giá dầu tăng thêm 13% khi OPEC phát ra lời hứa sẽ cắt giảm nguồn cung dầu mỏ và công bố chi tiết hạn ngạch cho từng quốc gia vào cuối tháng 11. Tuy nhiên, giá cổ phiếu dầu khí như PVS, PVD và GAS không diễn biến tích cực. Từ cuối tháng 10, khi giá dầu giảm mạnh từ mức 52 USD/thùng xuống còn 45 USD/thùng, đà giảm của các cổ phiếu tăng mạnh. PVS, PVD và GAS lần lượt giảm 18%, 15% và 10% so với đỉnh cao nhất vào cuối tháng 9.

Trong bối cảnh nhiều cổ phiếu ngành thép và dầu khí giảm mạnh từ 10%-20%, giá cổ phiếu của nhiều ngành hàng tiêu dùng thiết yếu và dược phẩm có mức giảm thấp hơn, thậm chí đi ngang và tăng nhẹ. Điều này là do các công ty này có được kết quả kinh doanh khá tốt.

Mặc dù Masan Group đang dính vào Scandal của nước mắm nhưng với vị thế lớn trong ngành thực phẩm thiết yếu như mì gói, nước mắm, bột nêm..Masan vẫn là cổ phiếu nên được chú ý. Cổ phiếu Masan chỉ giảm khoảng 10% so với mức đỉnh 71,000 đồng/cổ phiếu thiết lập vào đầu tháng 10, dù công ty đang đối diện với kịch bản bị kêu gọi tẩy chay sản phẩm từ cộng đồng mạng xã hội và mảng khoáng sản đang bị điều tra. Mức giảm này vẫn còn thấp hơn đà bán tháo của cổ phiếu thép hoặc dầu khí. Điểm nhấn cần chú ý của cổ phiếu MSN là chương trình mua 20 triệu cổ phiếu, điều sẽ tạo nên yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu.

Tập đoàn Masan (MSN) báo lãi sau thuế 2,500 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 117% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp của công ty đạt 8,856 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng thực phẩm, đồ uống đem đến 4,190 tỷ đồng, chiếm  47%  trong tổng lợi nhuận gộp của tập đoàn do biên lợi nhuận cao, mặc dù doanh số chi tăng 9%. Mảng chăn nuôi tuy có tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận gộp chỉ đạt 3,900 tỷ đồng, chiếm 44% tổng lợi nhuận gộp của tập đoàn.

Trong quá khứ, MSN là cổ phiếu được hưởng lợi rất lớn từ giai đoạn lạm phát của nền kinh tế. Trong đợt lạm phát gần nhất, trong giai đoạn lạm phát tăng cao vào năm 2010-2011, cổ phiếu MSN từng tăng giá gần 5 lần và trở thành trụ cột của VN-Index.

Cổ phiếu BHS của CTCP Đường Biên Hòa giảm nhẹ 8.5% trong 1 tháng qua. BHS báo báo cáo lợi nhuận 40 tỷ trong quý đầu tiên của kỳ kế toán 2016-2017, tăng 12.93% so với cùng kỳ.

Một ông lớn trong ngành hàng tiêu dùng thiết yếu vừa mới niêm yết trên sàn Upcom như Vissan (CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản-mã VSN), cũng có báo lãi 95 tỷ đồng sau 9 tháng, hoàn thành 95% kế hoạch năm.

 

Một ông lớn khác là CTCP Tập đoàn Kido đang trong quá trình chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh và chuẩn bị tham gia mạnh tay hơn vào lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu. Kido đã bán đi mảng bánh kéo và thực hiện chào mua công khai 65% CTCP Dầu Thực Vật Tường An, một doanh nghiệp lớn trong mảng dầu ăn. Nếu như thương vụ hoàn tất vào cuối năm 2016, Kido sẽ sớm tạo đà tăng trưởng trong tương lai. Theo báo cáo tài chính quý 3.2016, các mảng kinh doanh hiện tại của KDC vẫn có mức tăng trưởng trên 30%, đặc biệt là mảng kem. Kido cho biết, nhà máy Kem ở Bắc Ninh đi vào hoạt động và tạo ra doanh thu từ tháng 11.2016. Giá cổ phiếu KDC cũng chỉ giảm  nhẹ từ 39,000 đồng/cổ phiếu xuống 36,000 đồng/cổ phiếu khi thị trường giảm mạnh trong từ đầu tháng 10 đến nay.

Mảng tiêu dùng thực phẩm thiết yếu cũng trở nên sôi động hơn khi CTCP Thế Giới Di Động, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối điện thoại di động sẽ tham gia với hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh. Cổ phiếu MWG đã tăng giá mạnh gần gấp đôi trong năm 2016 khi công ty có kết quả kinh doanh khá tốt, với lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm đạt 1,222 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ và đạt 88% kế hoạch năm. Hiện tại, tăng trưởng của công ty đến từ mảng điện may nhưng theo chiến lược của công ty từ năm 2017, Bách Hóa Xanh sẽ trở thành “át chủ bài”.

Rõ ràng, sự tham gia của những công ty lớn như Kido, Thế Giới Di Động vào lĩnh vực thực phẩm thiết yếu sẽ tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho giới đầu tư.

Đối với ngành dược, cổ phiếu DCL của CTCP Dược Phẩm Cửu Long tạo ra sự bất ngờ khi tăng từ giá 16.750 đồng vào đáy tháng 10.2016 lên 21,700 đồng ở thời điểm hiện tại. Đây là diễn biến hết sức tích cực trong bổi cảnh thị trường giảm điểm. DCL cũng công bố báo cáo tài chính quý 3 tích cực với mức lãi sau thuế 13.3 tỷ, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này là do công ty đã đẩy mạnh xây dựng mạng lưới phân phối mạnh trên cả nước trong năm 2016.

Chú ý, cổ phiếu DCL có mức giá bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên với mức giá 20,000 đồng/cổ phiếu, điều này đang tạo ra mức giá hỗ trợ cho cổ phiếu. Hiện nay, cơ cấu cổ đông của DCL khá cô đặc với việc CTCP Tập Đoàn FIT đã thâu tóm thành công DCL.

Các cổ phiếu khác trong ngành dược như IMP, DHG đều công bố báo cáo tài chính quý 3 khá tốt dù giảm mạnh trong thời gian gần đây.

Cần lưu ý, cổ phiếu ngành dược vẫn đang nằm trong tầm ngắm của khối ngoại và đang chờ đợi những thông tin về việc nới room. Hiện tại, ngoài DMC được nới room lên tối đa 100%, thị trường đang chờ các công ty khác, vốn đã kín room như DHG (Dược Hậu Giang), IMP (Imexpharm), TRA (Traphaco).

Trương Minh Huy




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét