Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012


Chủ đề: Xử lý nợ xấu của ngân hàng

Kỳ 1: Tại sao phải xử lý nợ xấu của các ngân hàng?

LTS-Vào cuối tuần trước, cuộc họp G14 đưa ra đề xuất lập công ty mua bán nợ trị giá 100,000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Nhưng liệu có hợp lý?

Bất hợp lý khi cứu

Ngành ngân hàng  đóng một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, giống như mạch máu trong cơ thể, vì đây là nơi cung cấp nguồn vốn. Do đó, khi hệ thống ngân hàng rơi vào khủng hoảng, các chính phủ và ngân hàng trung ương thường phải “giải cứu” các ngân hàng. Nợ xấu là một trong những nguyên nhân khiến cho các ngân hàng có nguy cơ sụp đổ. Một trong những giải pháp thường được thực hiện là thành lập công ty mua bán nợ nhằm làm sạch bảng cân đối tài khoản của các ngân hàng. Thực tiễn cho thấy, Trung Quốc đã lập công ty mua bán nợ để xử lý nợ xấu vào năm 1999-2000; các nước như Thái Lan, Hàn Quốc cũng lập công ty mua bán nợ để xử lý nợ xấu được gây ra bởi cuộc khủng hoảng năm 1997; Nhật Bản cũng lập công ty mua bán nợ để xử lý hệ quả nợ xấu sau cuộc đổ vỡ bong bóng bất động sản vào những năm 1990. Do đó, việc Việt Nam thành lập công ty mua bán nợ xấu là một giải pháp hợp lý.


Tuy nhiên, điều bất hợp lý là các ngân hàng Việt Nam lại đang “sống khỏe”. Nhìn lại hoạt động kinh doanh năm 2011, ngành ngân hàng vẫn là ngành có kết quả kinh doanh thuộc loại tốt nhất trong nền kinh tế. Theo thống kê của chúng tôi từ 31 ngân hàng thương mại (không tính các ngân hàng chưa công bố thông tin, trong đó có ngân hàng Agribank), tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân toàn ngành 23.6%. Tỷ suất sinh lợi trên VCSH (ROE) ước ở mức 15%. Mặc dù mức sinh lợi này là thấp hơn so với thời kỳ hoàng kim của ngành ngân hàng nhưng lại là niềm mơ ước của nhiều ngành nghề, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, đang đối diện với nguy cơ thua lỗ và phá sản.  Sở dĩ ngành ngân hàng có được mức lợi nhuận khả quan là do hưởng lợi chênh lệch lãi suất huy động và cho vay. Trong khi lãi suất huy động bị ấn định trần thì lãi suất cho vay lại theo hình thức thỏa thuận nên đã tạo ra một khoảng cách khá lớn. Kết quả kinh doanh của các ngân hàng Việt Nam là “khá kỳ lạ” đối với tính chất của ngành. Về mặt lý thuyết, ngành ngân hàng vốn là ngành nghề có tính chu kỳ cao với hoạt động nền kinh tế và rất dễ gặp phải tồn thương trong khủng hoảng. Thử nhìn sang Châu Âu hoặc Mỹ, chúng ta thấy rõ điều này. Nhiều ngân hàng “sừng sõ” từng sống qua những năm tháng khủng hoảng năm 2008 như Goldman Sachs, Bank of America, Morgan Stanley đang gặp phải sự  sụt giảm mạnh trong lợi nhuận và thậm chí thua lỗ vào năm 2011.

Ở một khía cạnh khác, chúng ta thử nhìn vào thu nhập của một nhân viên ngân hàng so với các tầng lớp lao động khác trong xã hội. Theo Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội công bố giữa tháng 1-2012, lương và thu thập của các viên chức quản lý, cán bộ ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm được trả lương cao nhất, trung bình gần 16 triệu đồng/người, gấp 1.5 lần so với lao động trong ngành công nghiệp khai thác, chế biến và gấp đôi ngành xây dựng. Rõ ràng, ngành ngân hàng đang được xem là người giàu trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Bất chấp những nguy cơ về nợ xấu và triển vọng kinh tế khó khăn, các ngân hàng vẫn đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế với tốc độ tăng trưởng cao. Dự kiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân của 31 ngân hàng nói trên là 23% trong năm 2012, không thay đổi so với năm 2011.

Việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng được đặt ra khi nợ xấu vượt quá sức chịu đựng khiến ngân hàng có thể rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản. Chính phủ và NHNN lúc này buộc phải cứu vì nếu không nền kinh tế sẽ thiếu vốn. Thế nhưng, các ngân hàng trong nước lại đang thặng dư thanh khoản. Bằng chứng rõ ràng nhất là lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng đang giảm mạnh. Thậm chí, lãi suất cho vay qua đêm của VND đã giảm xuống còn 0.5%, còn thấp hơn cả đáy năm 2007. Nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn hiện nay là do lãi suất quá cao chứ không phải vì ngân hàng thiếu tiền. Do đó, nếu cho rằng, xử lý nợ xấu của ngân hàng và kỳ vọng các ngân hàng dùng khoản tiền này bơm cho các doanh nghiệp thì giống như chuyện “ôm cây đợi thỏ”.

Nhưng tại sao lại phải cứu?

Vậy tại sao phải cứu ngành ngân hàng khi những con số được báo cáo là rất đẹp. Có thể xuất hiện một lý do khác là những con số lợi nhuận của ngân hàng Việt Nam là không thực, tức chưa phản ánh hết các rủi ro nợ xấu. Theo công bố của NHNN, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam là khoảng 3.6% vào cuối quý 1.2012.  Tuy nhiên, theo công bố của Fitch Rating, nợ xấp của ngân hàng Việt Nam có thể là 13%, tức gấp 4 lần con số được công bố. Do đó, chúng ta thử ước tính khả năng chịu đựng của các ngân hàng đến đâu trước khi đưa ra phương án xử lý nợ xấu.

Năm 2011, tổng lợi nhuận trước thuế của 31 ngân hàng này là gần 49 nghìn tỷ đồng. Cũng trong năm này, tổng dư nợ cho vay khách hàng của 31 ngân hàng trên là khoảng 1,600 nghìn tỷ đồng, và số nợ xấu vào khoảng 55 nghìn tỷ đồng, chiếm 3.4% tổng dư nợ. Với con số lợi nhuận trên, các ngân hàng có thể chịu được mức độ rủi ro nợ xấu lên đến 6.4%, tức cao gần gấp 2 lần số liệu công bố thực tại, nếu có thêm 49 nghìn tỷ đồng nợ xấu thuộc nhóm 5 (mất sạch vốn). Tuy nhiên, không phải hoàn toàn số nợ xấu là nợ nhóm 5. Theo báo cáo tài chính năm 2011, 31 ngân hàng trên đã trích lập dự phòng 44% tổng số nợ xấu. Giả sử như đây là tỷ lệ hợp lý để cho các ngân hàng trích lập đúng số rủi ro nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5), thì số nợ xấu có thể chịu đựng thêm là 71.4 nghìn tỷ đồng. Lúc này, các ngân hàng trên có thể chịu đựng tỷ lệ nợ xấu lên tới 7.8%.

Thực chất là cứu ai?

Vấn đề nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam có tính chất khá đặc thù. Theo thông tin được công bố, nợ xấu của Agribank là 6% trong tổng dư nợ tín dụng 489 nghìn tỷ đồng, tức nợ xấu là khoảng 29.3 nghìn tỷ đồng. Như vậy, nợ xấu của Agribank đã bằng 53% tổng nợ xấu của 31 ngân hàng nói trên. Có thể con số nợ xấu của 31 ngân hàng trên là chưa thực, nhưng tỷ lệ trên cho thấy phần nào bức tranh nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam là của ai.

Theo thông tin từ Agribank, 80% nợ xấu của họ là đến từ bất động sản. Bản thân Agribank cũng cho biết ngành nông nghiệp là an toàn và có lãi. Như vậy, công ty mua bán nợ sau khi được thành lập sẽ xử lý một lượng lớn các khoản nợ liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Thật trùng hợp khi Thứ Trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Trần Nam cũng tiết lộ có khoảng 120,000 tỷ đồng đầu tư công dự kiến giải ngân vào ngành bất động sản. Phải chăng, việc xử lý nợ xấu là một trong những gói giải pháp thực chất để giải cứu cho những ai đang còn mắc kẹt trong ngành bất động sản.

2 nhận xét:

  1. Bài viết dự kiến đăng trên báo vào sáng mai

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bài viết sâu sắc của anh. Như vậy mục đích của công ty mua bán nợ là nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng và cứu bất động sản. Phiên tăng mạnh của CP bất động sản hôm nay có thể đến từ việc hiểu đc thông tin này không anh Huy à? Theo anh thì liệu thị trường bất động sản thực tế có khả quan hơn nhờ cái gói này ko a?

    Trả lờiXóa