Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Review bài phỏng vấn trên báo NDH: Nhìn lại cơn sóng sau tết Bính Thân 2016


Review: Như vậy sau khi TTCK mở cửa trở lại sau Tết Nguyên Đán, các chỉ số đã tăng điểm khá mạnh. Vào thời điểm hiện tại chỉ số VN-Index ở mức 566 điểm so với 543 điểm vào trước tết
-----------------------------

(NDH) Chiêm tinh đang được ứng dụng ngày càng nhiều trong lĩnh vực tài chính. Nhân dịp Xuân Bính Thân, NDH có cuộc phỏng vấn với ông Trương Minh Huy, một trong những người đầu tiên khởi xướng việc nghiên cứu và ứng dụng chiêm tinh vào thị trường chứng khoán Việt Nam.


Hiện tượng địa tâm (geocosmic) nào nổi bật trong năm 2016? Ảnh hưởng của hiện tượng này đến thị trường tài chính thế giới và Việt Nam?

Trong chiêm tinh học, khi quan sát vị trí các hành tinh từ trái đất được gọi là hiện tượng địa tâm. Năm 2016, hiện tượng Thổ Tinh vuông góc với Hải Vương Tinh là sự kiện địa tâm đáng chú ý nhất vì đây là hai hành tinh lớn trong hệ mặt trời. Thổ Tinh và Hải Vương Tinh lần lượt mất trung bình gần 30 năm và 165 năm để hoàn tất vòng quay quanh mặt trời. Chu kỳ của giữa hai lần giao hội của cặp góc Thổ Tinh và Hải Vương Tinh là khoảng 36 năm. Đây là những chu kỳ dài hạn nên rất quan trọng trong năm 2016. Thổ Tinh và Hải Vương Tinh tạo thành chuỗi ba lần hợp góc vuông vào ngày 26.11.2015; ngày 18.6.2016 và ngày 10.9.2016 (theo Tây lịch). Trong chiêm tinh học, xuất hiện thuật ngữ biên độ thời gian ảnh hưởng (orb of times) quanh thời điểm hợp góc chính xác. Đối với các chu kỳ dài hạn như Thổ Tinh và Hải Vương Tinh, có thể sử dụng biên độ +/-9 tháng. Do đó, có thể thấy rằng, cặp góc vuông giữa Thổ Tinh và Hải Vương Tinh tác động trong giai đoạn từ tháng 2.2015 cho đến tận tháng 6.2017.

Thổ Tinh là hành tinh của sự đe dọa, suy thoái, thu hẹp, thiếu hụt trong khi Hải Vương Tinh có thuộc tính liên quan đến biển, nước, dầu, lạm phát, dịch bệnh và tiền tệ. Thổ Tinh vuông góc Hải Vương Tinh có thể hiểu là sự thiếu hụt nguồn cung của dầu; sự khan hiếm về nguồn nước; khả năng bùng phát dịch bệnh (đặc biệt bệnh về da do thiếu nước); khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ. Chúng ta có thể thấy các biểu hiện đó như sau:
Mặc dù hiện nay, thế giới đang ở trong tình trạng dư thừa nguồn cung dầu do Saudi Arabia cùng OPEC và Mỹ khởi động cuộc chiến dầu mỏ từ tháng 6.2014 bằng cách tăng lượng cung dầu ra thế giới. Bên cạnh đó, Mỹ còn thực hiện sách lược tăng giá đồng USD hơn 20% kể từ tháng 6.2014 (việc Mỹ rút QE3 vào cuối năm 2014 càng cho thấy rõ hơn chính sách thặt chặt tiền tệ). Vì dầu được đo lường bằng đồng USD nên sự tăng giá của đồng bạc xanh khiến giá dầu giảm mạnh. Vào tháng 1.2016, giá dầu thậm chí còn giảm về mức đáy thấp nhất 28 USD/thùng do tình trạng dư thừa nguồn cung. Tuy nhiên, vào năm 2016, dưới ảnh hưởng của cặp góc Thổ Tinh/Hải Vương Tinh, khả năng sẽ có sự cắt giảm nguồn cung dầu. Yếu tố thú vị của cặp góc Thổ Tinh/Hải Vương Tinh này cho thấy nhiều lần trong lịch sử liên quan đến nước Nga. Vào năm 1998 khi Thổ Tinh/Hải Vương Tinh cũng tạo góc vuông, nước Nga cũng rơi vào tình trạng như hiện nay: Đổng Rúp của Nga sụt giảm gần 2/3 giá trị bởi cuộc khủng hoảng tiền tệ Đông Á và sụp đổ của quỹ LTCM, đồng USD tăng giá trên 20% khiến giá dầu giảm hơn 50% từ mức 23 USD xuống chạm mức đáy thấp 12 USD/thùng vào năm 1998 (không khác gì so với hiện nay). Nhưng sau đó, nước Nga với sự lãnh đạo của Tổng Thống Vladimir Putin, nước Nga đã có sự hồi phục mạnh mẽ.

Do đó, có khả năng trong năm 2016, nước Nga sẽ có những hành động để can thiệp để cắt giảm nguồn cung hoặc làm tăng giá dầu thế giới theo rất nhiều cách:  hoặc là tự Nga cắt giảm nguồn cung trong nước; hoặc là sẽ có những xung đột vũ trang ở Syria hoặc bất cứ quốc gia nào ở Trung Đông để làm tăng giá dầu. Lịch sử giá dầu thế giới cho thấy, các cuộc xung đột vũ trung như cách mạng Hồi Giáo ở Iran vào năm 1979-1980 (nước Nga cũng liên quan khi đưa quân vào Teheran), Chiến tranh vùng vịnh vào năm 1990 hoặc chiến tranh của Mỹ vào Iraq vào năm 2003 đã đẩy giá dầu lên cao. Xung đột vũ trang là cách thức quen thuộc để đẩy giá dầu lên cao. Đáng chú ý, vào tháng 10.2015, nước Nga đã không kích Syria sau khi Mỹ đã can thiệp vào quốc gia này hồi tháng 9.2014. Vì vậy, rủi ro về xung đột vũ trang là một nguy cơ hiện diện đối với thế giới liên quan đến giá dầu. Nói tóm lại, khả năng năm 2016, là năm mà giá dầu sẽ chạm đáy và sau đó sẽ có nhiều yếu tố khác (có thể từ nước Nga) để khiến cho giá dầu phục hồi mạnh. Thậm chí đà phục hồi của giá dầu có thể kéo dài sang cả năm 2017.
Giá dầu đang ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế Việt Nam và TTCK. Năm 2014 và 2015, ngân sách nhà nước hụt thu lớn bởi giá dầu thấp và tạo ra áp lực mất cân bằng ngân sách. Trên TTCK, các cổ phiếu ngành dầu khí vốn có tỷ trọng vốn hóa cao trong VN-Index, đặc biệt là mã cổ phiếu GAS, nên sự tụt dốc của giá dầu khiến cho giá cổ phiếu ngành dầu khi giảm theo, và từ đó đẩy chỉ số VN-Index giảm mạnh. Hàng loạt cổ phiếu dầu khi GAS, PVD, PVS, PVC đã mất giá trên 60% so với đỉnh vào năm 2014 và thậm chí còn thiết lập mức đáy thấp kỷ lục từ khi niêm yết.

Nếu như giá dầu phục hồi đó là tin tốt cho TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề là giá dầu có thể tạo đáy rất muộn trong năm 2016, thậm chí là phải đến quý 3.2016 mới có thể xác lập vùng đáy. Điều này là do giá dầu vẫn gặp phải một trở ngại từ FED về cơ bản vẫn đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, với lộ trình tăng lãi suất trong năm 2016. Sự tăng giá của đồng USD vừa khiến cho giá dầu tụt dốc, vừa tạo áp lực đảo ngược dòng vốn của các thị trường mới nổi và cận biên trong đó có Việt Nam. Nên nhớ rằng, cặp góc Thổ Tinh và Hải Vương Tinh liên quan đến việc thắt chặt tiền tệ.

Khả năng lạm phát trở lại vào cuối năm 2016 và năm 2017?
Lạm phát là điều các quốc gia trên thế giới đang tìm kiếm  nhằm vực dậy nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh lâm vào giảm phát.  Có nhiều yếu tố để xem xét khả năng lạm phát có thể trở lại sau một thời gian dài “mất tích”: Đầu tiên, là khả năng giá dầu có thể tạo đáy và hồi phục như nhận định ở trên; thứ hai, liên quan đến khả năng lạm phát do thiếu hụt lương thực trên toàn cầu. Như nói ở trên, Thổ Tinh/Hải Vương Tinh liên quan đến thiếu hụt nguồn nước nên khả năng sẽ làm cho sản xuất lương thực bị gián đoạn. Đặc biệt trong bối cảnh khí hậu toàn cầu đang chịu ảnh hưởng của đợt El Nino bất thường và kéo dài (bắt đầu từ năm 2014 và kéo dài cho đến đầu năm 2016).
Việt Nam cũng đang chịu đợt rét lạnh bất thường vào đầu năm 2016 và khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long đang rơi vào tình trạng thiếu nước chưa từng thấy.  Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Những vấn đề của thời tiết sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lương thực và tác hại của nó sẽ thấy rõ trong nửa cuối năm 2016. Giá lương thực có thể tăng do tình trạng thiếu hụt và tạo nên áp lực lạm phát.
Một khả năng thứ ba là liên quan đến kịch bản FED tạm thời nới lỏng tiền tệ sau môt thời gian dài  thực hiện chính sách thắt chặt lãi suất. Đồng USD tăng giá không chỉ ảnh hưởng đến thế giới mà còn cả nước Mỹ. FED chắc chắn không muốn đẩy nước Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái như năm 2008 ngay trong kỳ bầu cử vào tháng 11.2016. Do đó, khả năng FED sẽ tạm thời nới lòng tiền tệ thậm chí là cả kịch bản QE4 cần xem xét đến.
Dưới góc nhìn chiêm tinh học, ông nhận định thế nào về thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung trong năm Bính Thân (2016)? Liệu chu kỳ tăng 4 năm qua có chấm dứt? Chiến lược nào ông có thể khuyến nghị cho nhà đầu tư trong năm nay?

Với viễn cảnh FED thực hiện chính sách thắt chặt lãi suất và giá dầu thấp sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam trong nhiều khía cạnh: Ngân sách bị thâm hụt và khả năng VND bị mất giá. Do đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp rất nhiều bất lợi đến từ thế giới. Tất nhiên, thị trường chứng khoán năm 2016 sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, nhà đầu tư nên cẩn trọng với trong năm 2016. Nếu có xuất hiện các đợt sóng tăng trong năm 2016 và tham gia hợp lý tại một số thời điểm, nhà đầu tư nên sớm chốt lãi. Trong thị trường con gấu, khó có đợt sóng tăng nào kéo dài quá 3 tháng và thông thường chỉ kéo dài trong 1-2 tháng.
Cơ hội sẽ đến với nhà đầu tư vào nửa cuối năm 2016 đặc biệt trong giai đoạn 2-3 tháng trước kỳ bầu cử Tổng Thống Mỹ. Nếu như FED thực hiện nới lỏng tiền tệ thì TTCK Việt Nam có thể hưởng lợi ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, dựa trên quan sát về chiêm tinh học, tôi cảnh báo với nhà đầu tư vào giai đoạn tháng 8 +/-1 tháng, thường là thời điểm không tốt cho TTCK Việt Nam. Vào tháng 8.2016, Hỏa Tinh sẽ giao hội với Thổ Tinh, trong khi Thổ Tinh đang vuông góc với Hải Vương Tinh. Như giải thích ở trên, Hải Vương Tinh liên quan đến nước và biển. Với sự xuất hiện của Hỏa Tinh liên quan đến căng thẳng chính trị, xung đột vũ trang, tình trạng mâu thuẫn thì các quốc gia ở giáp vùng biển có thể xuất hiện. Hiện tại, Trung Quốc đang có tranh chấp với một số quốc gia ở Đông Nam Á ở Biên Đông.

Đối với TTCK, Hỏa Tinh giao hội với Thổ Tinh trung bình khoảng 2 năm. Vào cuối tháng 8.2012, sự giao hội của Hỏa Tinh và Thổ Tinh trùng với sự kiện Bầu Kiên, khiến TTCK sụt giảm mạnh sau đó. Vào cuối tháng 8.2014, Hỏa Tinh giao hội với Thổ Tinh, và chỉ số VN-Index đạt đỉnh vào đầu tháng 9. Hàng loạt cổ phiếu ngành dầu khí đạt đỉnh và giảm mạnh 1-2 năm sau đó. Vì vậy, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi Hỏa Tinh và Thổ Tinh lại giao hội với nhau vào cuối tháng 8.2016.

Liệu có cơ hội đón sóng sau dịp Tết Nguyên Đán Bính Thân 2016 hay không?
Tôi nghĩ rằng, các nhà đầu tư sẽ trở nên phấn khởi hơn sau dịp Tết Nguyên Đán. Đây là khoảng nghỉ cần thiết cho các nhà đầu tư khi TTCK sụt giảm mạnh trong hơn 2 tháng gần đây. Về mặt chiêm tinh học, Tết Nguyên Đán trùng với dịp Trăng Non (New Moon) và cũng là thời điểm Kim Tinh (hành tinh của tiền) tạo góc giao hội với Diêm Vương Tinh, vuông góc với Thiên Vương Tinh và tạo góc tam giác với Mộc Tinh. Đây là một mẫu hình chiêm tinh cho thấy khả năng tạo nên điểm đảo chiều. Nếu TTCK sụt giảm cho đến cận Tết Nguyên Đán, khả năng có đợt sóng khá hấp dẫn sau đó.


Trương Minh Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét