(Theo Finanial Times)- Chủ Tịch Bình đã được khen ngợi vì đã kéo dài thời gian cho sự bùng nổ bất động sản được thúc đẩy bằng nợ, nhưng các đối tác thương mại lo ngại rằng việc tập trung mới vào sản xuất công nghệ cao sẽ dẫn đến làn sóng xuất khẩu giá rẻ.
Khi Tập Cận Bình đi thăm tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc vào tuần trước, các quan chức địa phương đã được kêu gọi cập nhật cho chủ tịch nước về kế hoạch của họ nhằm đẩy nhanh sự phát triển của “lực lượng sản xuất chất lượng mới”.
Khẩu hiệu bắt nguồn từ tư tưởng Mác-xít thế kỷ 19, đã trở thành thuật ngữ ngắn gọn cho tầm nhìn về tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng sản xuất tiên tiến.
Tháng này, cụm từ này được sử dụng chín lần trong một bài luận dài được đăng tải bởi hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã. Lý Cường, cánh tay phải của Tập Cận Bình, xếp đây là ưu tiên kinh tế hàng đầu của chính phủ trong năm nay.
Hà Thúc Cảnh, nhà phân tích thuộc nhóm tư vấn Bắc Kinh Plenum Trung Quốc, cho biết sự xuất hiện của thuật ngữ này là "tín hiệu rõ ràng cho thấy các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc tin rằng đất nước cần bước vào giai đoạn chuyển đổi cơ cấu mới" và tách khỏi con đường tiến bộ công nghệ trước đây thông qua bắt chước.
Tuy nhiên, việc ông Tập chuyển hướng sang sản xuất công nghệ cao, thay vì dựa vào các ưu đãi để thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, đang bị nghi ngờ.
Tăng trưởng kinh tế đã chậm lại kể từ đại dịch, 1.4 tỷ dân của đất nước đang tích trữ tiền tiết kiệm và đầu tư nước ngoài giảm sút. Điều đó làm dấy lên lo ngại rằng các sản phẩm công nghệ cao mà ông Tập ủng hộ sẽ cuối cùng được xuất khẩu.
“Để điều này hiệu quả, Trung Quốc phải mở rộng thị phần sản xuất toàn cầu. Điều đó cần phải được phần còn lại của thế giới chấp nhận. Phần còn lại của thế giới khó có thể làm điều đó,” Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh và thành viên cấp cao tại Carnegie Trung Quốc cho biết.
Chính quyền Tập Cận Bình được khen ngợi vì cuối cùng đã kêu gọi chấm dứt việc tích lũy nợ không bền vững lên tới hàng nghìn tỷ đô la của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc và hầu hết các chính quyền tỉnh. Nhưng việc chính quyền của ông không tìm ra động lực mới tập trung vào người tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã đặt ra những câu hỏi cơ bản hơn về định hướng kinh tế do nhà lãnh đạo quyền lực nhất đất nước kể từ Mao Trạch Đông lựa chọn.
Các nhà kinh tế học cho biết, trong thời gian đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ theo đuổi một con đường tăng trưởng mà trong đó bất động sản và cơ sở hạ tầng không phải là động lực đầu tư hàng đầu. Cũng chưa có nền kinh tế toàn cầu lớn hiện đại nào dàn dựng được một cú hạ cánh mềm từ nhiều thập kỷ tăng trưởng nhờ nợ nần mà không cung cấp hỗ trợ đáng kể cho người tiêu dùng.
Sau 12 năm lãnh đạo, Tập Cận Bình dường như đã nhìn nhận rõ ràng về thách thức khi ông đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào vùng lãnh thổ chưa được khám phá. Truyền thông nhà nước dẫn lời ông nói: "Đây là một con đường chưa từng có tiền lệ, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục khám phá và dũng cảm tiến về phía trước."
Các chuyên gia cho biết, Trung Quốc là một trường hợp ngoại lệ khi nói đến tỷ lệ tăng trưởng kinh tế mà nước này có được từ đầu tư. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, tỷ trọng đầu tư so với tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu trong nhiều thập kỷ đã dao động quanh mức 25%. Ở các nước đầu tư cao, tỷ lệ này thường dao động từ 30 đến 34%. Michael Pettis chỉ ra rằng ở Trung Quốc, tỷ lệ này đã duy trì trên 40% trong hai thập kỷ.
Khoảng hai phần ba khoản đầu tư đó được đổ vào bất động sản và cơ sở hạ tầng. Nhưng trong khi đây vẫn là những phần quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, chúng không còn được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tăng trưởng. Năm 2021, được coi là một thời điểm quan trọng, Bắc Kinh đã áp đặt "ba lằn đỏ" đối với các nhà phát triển để giải quyết tình trạng đòn bẩy gia tăng trong lĩnh vực bất động sản.
Ba năm sau, cách xử lý tương tự đang được áp dụng đối với các chính quyền tỉnh và địa phương chi tiêu quá mức cho cơ sở hạ tầng. Theo một tài liệu mà FT xem được, Quốc vụ viện, nội các Trung Quốc, đã cấm 10 tỉnh, khu vực nợ nần chồng chất và hai thành phố lớn xây dựng đường cao tốc, tòa nhà chính phủ và các dự án khác. 19 khu vực khác được khuyến khích báo cáo các thành phố nợ nần nhất của họ, để chính quyền trung ương có thể lập kế hoạch giảm nợ.
Chính quyền địa phương ở Vân Nam, một tỉnh ở phía tây nam Trung Quốc, đã tạm dừng chi tiêu cho hơn 1,500 dự án hạ tầng, theo một tài liệu khác mà FT xem được. Tháng này, bốn thành phố, bao gồm cả Cáp Nhĩ Tân ở tỉnh cực bắc Trung Quốc, được yêu cầu cắt giảm các dự án tàu điện ngầm.
Bloomberg ước tính rằng tính đến cuối năm 2022, các nhà phát triển bất động sản nợ 17,800 tỷ nhân dân tệ (2,500 USD) trong khi các công ty tài chính của chính quyền địa phương nợ 94 nghìn tỷ nhân dân tệ. Việc xử lý khoản nợ này dự kiến sẽ mất nhiều năm, thậm chí có thể lâu hơn. Nhưng Pettis nói rằng nỗ lực giải quyết sự phụ thuộc quá mức vào bất động sản và cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh "là điều tốt cho trung và dài hạn vì nó không bền vững và [cắt giảm] nó là cách duy nhất để kiểm soát nợ."
Các nhà kinh tế học cho biết, một trong những câu hỏi quan trọng nhất đối với Trung Quốc hiện nay là sản xuất có thể lấp đầy khoảng trống do việc giảm ưu tiên bất động sản và cơ sở hạ tầng tạo ra đến mức nào.
Trong bài luận của Tân Hoa Xã kể về tầm nhìn xa của Tập Cận Bình với tư cách là nhà hoạch định kinh tế, bài luận mô tả cách vào những năm 1970, Tập Cận Bình thời niên thiếu đã lãnh đạo việc phát triển các cơ sở sản xuất khí sinh học trong một ngôi làng nông thôn - một ví dụ ban đầu, bài luận cho biết, về "lực lượng sản xuất chất lượng mới".
Theo Thủ tướng Lý, trong số những lực lượng đó ngày nay, "bộ ba mới" bao gồm xe điện, pin lithium-ion và pin mặt trời. Xuất khẩu các mặt hàng này tăng 30% lên 147 tỷ USD vào năm ngoái, theo dữ liệu hải quan chính thức.
Các nhà máy của Trung Quốc, từng đồng nghĩa với xuất khẩu hàng giá trị thấp trong lĩnh vực điện tử và máy móc, đang ngày càng cạnh tranh và đôi khi thống trị trong các công nghệ bao gồm tuabin gió và vật liệu pin. Nước này đang nhanh chóng bắt kịp về chip máy tính, trí tuệ nhân tạo và xe tự hành. Trung Quốc có tham vọng trong lĩnh vực nhiệt hạch hột nhân, máy tính lượng tử, hydro, tàu vũ trụ và sản xuất sinh học.
Mặc dù các chuyên gia lưu tâm đến sự thiếu minh bạch bao quanh chiến lược của Bắc Kinh, họ chỉ ra rằng nó phù hợp với mục tiêu tổng thể của Tập Cận Bình về tự chủ công nghệ và độc lập về tài nguyên.
Trong cuốn sách "Suy nghĩ chính trị của Tập Cận Bình", các học giả Olivia Cheung và Giáo sư Steve Tsang tại Đại học Soas London cho biết: "Tập Cận Bình tìm cách củng cố sức mạnh kinh tế của Trung Quốc thông qua đổi mới bằng mọi cách cần thiết và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương về kinh tế trước các lệnh trừng phạt tiềm ẩn của phương Tây."
Tại Bắc Kinh, các nhà hoạch định kinh tế cho rằng họ đang cố gắng tránh lặp lại những sai lầm tương tự dẫn đến các khoản nợ khổng lồ liên quan đến phát triển bất động sản và cơ sở hạ tầng. Các quan chức tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc chỉ ra sự giám sát tập trung hơn khi các nguồn lực tài chính được hướng tới việc hỗ trợ tín dụng cho các ngành then chốt mới nổi và chiến lược.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có kế hoạch thành lập một phòng ban thị trường tín dụng mới, nhằm mục đích định hướng lĩnh vực ngân hàng khổng lồ trị giá 450 nghìn tỷ nhân dân tệ của đất nước để tài trợ cho các lĩnh vực ưu tiên và dữ liệu chính thức cho thấy sự thay đổi này đã bắt đầu hình thành.
Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ông Phan Công Thắng (Yì Gāng) cho biết vào tháng 1 rằng tỷ lệ tăng trưởng của các khoản vay xanh, các khoản vay công nghệ ngắn hạn và các khoản vay sản xuất dài hạn đã vượt xa mức tăng trưởng cho vay tổng thể trong năm 2023. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn trong lĩnh vực bất động sản và từ các công ty tài chính của chính quyền địa phương đã giảm trong những năm gần đây.
Ngoài bờ biển Trung Quốc, nhiều người coi khả năng Bắc Kinh gia tăng phụ thuộc vào sản xuất để tăng trưởng là một mối đe dọa mới nổi. Việc so sánh các chính sách công nghiệp vốn nổi tiếng là khó khăn. Nhưng Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) mô tả sự hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc là "đặc biệt cao", ước tính khoảng 406 tỷ USD, chiếm 1.73% GDP vào năm 2019. Con số này so với 0.39% GDP ở Mỹ và 0,5% ở Nhật Bản.
Ở Mỹ và châu Âu, các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng việc chi tiêu mạnh tay như vậy sẽ dẫn đến làn sóng xuất khẩu công nghệ cao giá rẻ có thể thay thế các ngành công nghiệp trong nước và gây ra rủi ro về an ninh quốc gia.
Washington và Brussels đã tiến hành các cuộc điều tra riêng biệt đối với ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc, nước trước đây nhắm vào rủi ro an ninh, nước sau điều tra về cáo buộc hỗ trợ nhà nước không công bằng.
Tổng thống Joe Biden cũng đã cam kết hàng tỷ USD để thay thế cần cẩu container do Trung Quốc sản xuất tại các cảng biển của Mỹ, viện dẫn lo ngại về việc hack.
Sau cuộc gặp với Tập Cận Bình và Lý Cường vào tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen lưu ý rằng thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc đã phình to lên 400 tỷ euro, từ 40 tỷ euro cách đây 20 năm. "Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ không thể chịu đựng được việc cơ sở công nghiệp của chúng tôi bị cạnh tranh không lành mạnh làm suy yếu", bà nói.
Trong các cuộc trao đổi riêng tư với các đối tác Trung Quốc, các quan chức kinh tế Mỹ đã cảnh báo Bắc Kinh rằng Mỹ và các đồng minh sẽ hành động nếu Trung Quốc cố gắng giảm bớt vấn đề dư thừa công nghiệp bằng cách bán phá giá hàng hóa trên thị trường quốc tế.
David Skilling, giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn Landfall Strategy Group, cho biết "khả năng hấp thụ của nền kinh tế toàn cầu là có hạn)" và cảnh báo rằng "sẽ có một số phản ứng địa chính trị thực sự" từ việc Trung Quốc mở rộng lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.
Bắc Kinh đã có những động thái xoa dịu các mối quan ngại quốc tế. Tuần trước, ông Tiêu Nhân Năng (tiêu nhơn năng - Xuān Chángnéng), phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cho biết ngân hàng trung ương sẽ hướng dẫn các ngân hàng tránh cho vay quá mức, có thể dẫn đến các vấn đề về công suất thừa.
Điều đó diễn ra vài tuần sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc và tám cơ quan khác công bố kế hoạch hỗ trợ "sự phát triển lành mạnh" cho việc mở rộng xe điện ở nước ngoài của Trung Quốc.
Trong bối cảnh lo ngại quốc tế gia tăng, các chuyên gia tin rằng chiến lược sản xuất sẽ không đạt được mục tiêu của Bắc Kinh. Xuất khẩu đã chiếm 1/5 GDP và thị phần sản xuất toàn cầu của Trung Quốc là 31%. Nếu không có sự bùng nổ về nhu cầu, họ cho rằng phần còn lại của thế giới khó có thể hấp thụ hàng xuất khẩu của Trung Quốc mà không thu hẹp sản xuất của chính họ.
Skilling lưu ý rằng dòng chảy xuất khẩu đã đang chuyển dịch sang các nền kinh tế "thân thiện" hơn về địa chính trị, bao gồm các thành viên khác của nhóm BRICS, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Mỹ Latinh và Châu Phi. Nhưng các nền kinh tế đang phát triển không thể bù đắp cho việc giảm quyền truy cập vào các nền kinh tế tiên tiến.
Họ cũng không muốn thấy ngành công nghiệp nội địa của mình bị các đối thủ Trung Quốc thay thế. Bộ Công nghiệp Brazil trong sáu tháng qua đã mở ít nhất nửa tá cuộc điều tra về cáo buộc bán phá giá các sản phẩm từ các ngành sản xuất của Trung Quốc, từ tấm kim loại và thép sơn sẵn đến hóa chất và lốp xe.
Việt Nam, một cơ sở sản xuất toàn cầu ngày càng quan trọng, đang điều tra cáo buộc xuất khẩu không công bằng các tháp tua gió do Trung Quốc sản xuất. Thái Lan cáo buộc Trung Quốc trốn tránh thuế chống bán phá giá và các công ty Trung Quốc bị áp thuế suất cao hơn đối với hàng chục sản phẩm xuất khẩu sang Mexico.
Trong một động thái hiếm hoi chỉ trích chính sách trong nước, hai nhà kinh tế nổi tiếng của Đại học Bắc Kinh, Hoàng Y Bình (Huáng Yì Píng) và Lục Phong (Lù Fēng), trong tháng này đã lên tiếng cảnh báo về kế hoạch của Bắc Kinh. “Có nhiều lời chỉ trích chỉ ra năng lực sản xuất thừa của chúng tôi kể từ tháng 2 và cho rằng các chính sách công nghiệp của chúng tôi có thể ảnh hưởng đến trật tự thương mại quốc tế,” Huang, giáo sư kinh tế học, cho biết. “Chúng tôi cần nghiêm túc xem xét những lời chỉ trích này. Nếu làn sóng bảo hộ chống lại các sản phẩm Trung Quốc đạt được đà trên toàn cầu, thì điều đó sẽ bất lợi cho sự phát triển của chúng tôi trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là trong đổi mới,” Huang nói thêm.
Một nhà kinh tế khác, yêu cầu giấu tên, cho biết bộ đôi này đã "với khó khăn" giải quyết vấn đề. Người này nói: "Họ nên cứng rắn hơn nhiều và nói rằng 'điều này sẽ không hiệu quả, bạn có thể làm điều đó khi còn nhỏ nhưng bạn không thể làm điều đó khi bạn lớn,' lẽ ra điều này đã rõ ràng."
Sự chuyển hướng sang sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm nhạy cảm đối với nền kinh tế của nước này. Kể từ khi các hạn chế về đại dịch được dỡ bỏ vào cuối năm 2022, các thị trường tài chính đã kêu gọi các biện pháp kích thích tập trung vào người tiêu dùng để giúp thúc đẩy tăng trưởng.
Minh họa cho sự lo lắng dai dẳng của người dân Trung Quốc bình thường về tương lai của họ, tiền tiết kiệm của hộ gia đình vẫn ở mức cao kỷ lục 19,300 tỷ USD sau hơn một năm kể từ khi dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát coronavirus. Nhu cầu tiêu dùng ảm đạm đã đẩy giá cả xuống mức giảm phát.
Các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giảm xuống mức thấp nhất về giá trị tuyệt đối kể từ năm 1993, trong khi chỉ số chứng khoán CSI 300 của Trung Quốc đã giảm 32% kể từ đầu năm 2021. S&P 500 đã tăng 39% trong cùng kỳ.
Các chuyên gia cho biết, lòng tin chưa phục hồi sau các cuộc đàn áp nhắm vào mọi thứ, từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng đến việc công bố dữ liệu hoặc ý kiến trái ngược với thông điệp chính thức.
Một cố vấn kinh tế cao cấp của Trung Quốc, yêu cầu giấu tên, cho biết các nhà hoạch định chính sách đang chống lại nút kích thích vì họ lo ngại về một đợt bùng nổ tín dụng dài khác. "Tất cả các cải cách và nỗ lực giảm đòn bẩy trong quá khứ sẽ trở nên vô ích... Họ tin rằng họ vẫn đang xử lý những hậu quả đau đớn của đợt kích thích vòng trước, sau năm 2008," ông nói. "Thứ nữa, nhu cầu tiêu dùng là thứ không thể dễ dàng được kích thích trong khi niềm tin vẫn còn yếu."
Cheung tại Soas cho rằng kế hoạch của Bắc Kinh cần được nhìn nhận trong bối cảnh Tập Cận Bình tập trung vào việc hỗ trợ các ngành công nghiệp giúp ích cho an ninh quốc gia đầu tiên và thứ hai có thể được khai thác "để làm cho Trung Quốc vĩ đại".
Bà nói rằng kế hoạch này có ý nghĩa theo hệ tư tưởng của Tập Cận Bình, nhưng rủi ro biến Trung Quốc thành một nền kinh tế toàn cầu ít quan trọng hơn nếu nó không thành công. "Mục tiêu lâu dài là một trật tự kinh tế thế giới thực sự ưu ái Trung Quốc... thì tầm nhìn của ông ấy sẽ gần với thực tế hơn nhiều," bà nói. "Chúng ta chỉ mới bắt đầu."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét