Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Cuộc chơi của vàng!

Thế giới đang định hình hệ thống tiền tệ mới?

Trong suốt hơn 200 năm qua, hệ thống tiền tệ toàn cầu đã có những biến động rất mạnh với sự thay đổi trong vai trò của vàng[1]. Kéo theo đó là sự ra đời của các ngân hàng trung ương và thay đổi trong cơ chế tỷ giá toàn cầu.

Theo James Rickards, tác giả của cuốn sách “Currency war: Making the next of Glogal Crisis”, hệ thống bản vị vàng ra đời từ năm 1821 đã tạo ra một thời kỳ ổn định giá cả lâu dài, tạo tiền đề cho công nghiệp hóa và bước đầu của toàn cầu hóa. Tỷ lệ lạm phát trung bình hàng năm từ 1880-1914 là 0.1% rất thấp so với giai đoạn 1946-2003 là 4.1%.


Nhưng thế chiến thế giới đã làm thay đổi vai trò của vàng. Khi Thế Chiến lần thứ 1 xảy ra vào năm 1914, nước Anh phải từ bỏ hệ thống bản vị vàng nhằm phát hành tiền giấy tài trợ cho chiến tranh. Tương tự, mặc dù hệ thống bản vị vàng tạm được khôi phục giữa hai cuộc thế chiến nhưng đến 1931-1936, ba cường quốc lớn là Anh, Mỹ và Pháp chính thức phá bỏ bản vị vàng.  

Năm 1944, hệ thống bản vị vàng được khôi phục sau nổ lực xây dựng một hệ thống tiền tệ mới cho thời kỳ hậu thế chiến thứ II, gọi là hệ thống tiền tệ Bretton Woods. Theo đó, đồng USD được gắn cố định vào vàng với tỷ lệ 35 USD/oz. Đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu và các quốc gia khác neo đồng tiền của mình vào USD như một hình thức bảo đảm bằng vàng. Sự thâm hụt ngân sách của Mỹ dẫn đến sự kiện Tổng Thống Nixon phải chấm dứt bản vị vàng vào năm 1971 và chính thức vào tháng 3.1973. Hệ thống bản vị vàng chính thức chấm dứt và thế giới chuyển sang hệ thống tiền tệ định danh (fiat money). Tương ứng với hệ thống tiền tệ mới, Châu Âu cho ra đời cơ chế tỷ giá thả nổi ERM vào những năm 1970.

Cục diện cơ chế tỷ giá toàn cầu sau năm 1970 trở thành cơ chế tỷ giá linh hoạt thả nổi ở Châu Âu và Mỹ. Trong khi đó, các nước đang phát triển lại neo đồng tiền của mình vào đồng USD.

Sau khi cởi trói khỏi sự kiểm soát của vàng, các quốc gia trên thế giới ồ ạt phát hành tiền giấy. Vàng được coi là “di tích dã man” như nhà kinh tế học lừng danh Keynes đã gọi. Khi thanh khoản tràn ngập, cơ hội đầu tư đến khắp mọi nơi và điều này góp phần làm kinh tế tăng trưởng sau thế chiến thứ II. Thế nhưng, sự phát triển của hệ thống tiền tệ định danh cũng tạo ra nhiều sóng gió cho kinh tế toàn cầu. Lạm phát tăng vọt do nhiều quốc gia phát hành tiền quá mức dẫn đến sự bùng nổ của giá vàng, từ mức 256 USD/oz vào năm 1999 tăng lên 1,923 USD/oz vào tháng 9.2011. Cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn 2008 có thể đã không diễn ra nếu Fed giữ ổn định giá trị đồng USD.

Ngày nay, vai trò của vàng là đề tài tranh luận nóng bỏng trong giới học thuật sau đổ vỡ của hệ thống tài chính và kinh tế toàn cầu từ năm 2008. Có ý kiến đề xuất quay lại bản vị vàng nhưng phía ngược lại cho rằng, đó là “ý tưởng tồi tệ nhất”. Tôi không đi sâu vào bình luận những quan điểm này. Thực tế khách quan diễn ra sinh động hơn những gì được viết trên lý thuyết. Sự tranh luận gay gắt của giới học thuật về vàng cho thấy vai trò của vàng đang dần thay đổi. Tờ Telegraph[2] của Anh cho rằng, thế giới đang từng bước tiến đến bản vị vàng phổ biến (de factor Gold Standard) mà không có bất cứ cuộc họp nào của G20 để thông báo ý tưởng hoặc hưởng ứng cho kế hoạch này. Theo điều tra của GFMS Gold Survey, các ngân hàng trung ương toàn cầu đã tăng ròng 536 tấn vàng trong năm 2012 khi nổ lực đa dạng hóa hệ thống dự trữ ngoại hối chỉ gồm các đồng tiền giấy. Đây là mức tăng lớn nhất trong gần 50 năm qua.

Liệu một hệ thống tiền tệ mới, chẳng hạn như bản vị vàng, có ra đời nhằm khắc phục khuyết điểm của hệ thống tiền giấy?

Nhìn vào sự thay đổi của hệ thống tiền tệ toàn cầu trong thế kỷ 20, những nhà phân tích theo trường phái kinh tế-chiêm tinh (astro-eco) đang dự báo sẽ có những biến đổi lớn trong hệ thống tiền tệ toàn cầu. Quan sát chuyển dịch của Diêm Vương Tinh qua các cung Tứ Xung (Cardinal), gồm bốn cung Bạch Dương, Con Cua,Thiên Bình, Ma Kết cho thấy trùng với những thay đổi lớn trong hệ thống tiền tệ toàn cầu. Khi chế độ bản vị vàng bị xóa bỏ bởi thế Chiến thứ nhất vào năm 1914 và sau đó là năm 1936, Diêm Vương Tinh đang nằm ở cung Con Cua. Tiếp đó, khi Tổng Thống Nixon chính thức khai tử vàng lần thứ hai vào năm 1973, Diêm Vương Tinh nằm ở cung Thiên Bình. Nếu nhìn lại năm 1821, khi hệ thống bản vị vàng ra đời ở Anh Quốc và các nước thuộc địa, Diêm Vương Tinh chỉ còn cách 30 là nhập cung Bạch Dương. Điều này cho thấy, mỗi lần Diêm Vương Tinh di chuyển qua các cung Tứ Xung, hệ thống tiền tệ sẽ có những thay đổi lớn. Điều này thể hiện đúng bản chất của Diêm Vương Tinh là hành tinh của sự cải cách.

Hiện nay, Diêm Vương Tinh bắt đầu ngự trị tại cung Ma Kết từ năm 2008 cho đến tận năm 2023-2024. Liệu một sự cải biến trong hệ thống tiền tệ toàn cầu từ nay cho đến những năm 2023-2024?

Dù không ai có thể chắc chắn khi nói về tương lai của hệ thống tiền tệ toàn cầu nhưng bóng dáng của một sự thay đổi lớn xuất hiện khi cuộc khủng hoảng dưới chuẩn diễn ra ở Mỹ năm 2008 và kéo theo đó là cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu từ năm 2010. Thế giới bắt đầu cảm thấy lo lắng về tương lai của nền kinh tế dưới đóng nợ công khổng lồ được tích lũy dễ dàng bằng cách phát hành tiền giấy.

Khả năng của sự cải biến lớn dần khi cuộc chiến tranh tiền tệ đang bước vào giai đoạn bước ngoặt và lan rộng như những năm 1930. Tuyên bố in tiền không giới hạn của Nhật vào cuối năm 2012 đang lôi cuốn các quốc gia khác tham gia phá giá đồng nội tệ. Venuezela tuyên bố phá giá 1/3 giá trị đồng nội tệ vào tháng 2.2013. Ngân hàng trung ương New Zealand cho biết đang xem xét can thiệp vào thị trường tiền tệ để hạn chế đà tăng của đồng Kiwi. Brazil đang cố gắng hạ giá đồng tiền bằng cách hạn chế dòng vốn vào. Tháng 4.2013, nước Anh dấy lên dư luận phải phá giá mạnh đồng Bảng, có thể là 1/3 giá trị, nhằm cứu nền kinh tế[3]. James Rickards cho rằng, sự thừa thãi của đồng tiền giấy sẽ khiến cho niềm tin của dân chúng bị xói mòn. “Không có người thua hay kẻ thắng trong cuộc chiến tranh tiền tệ. Tất cả các quốc gia đều bại. Chỉ một người thắng duy nhất-Vàng

Có một thực tế cần biết rằng, hệ thống bản vị vàng không hề là xiềng xích cho sự thịnh vượng kinh tế để cần phải “cởi trói” như nhiều người nghĩ. Lịch sử kinh tế tư bản đã cho thấy “Thời đại vàng (Gold Age) của chủ nghĩa tư bản ” lần 1 và lần 2 đều xảy ra dưới thời kỳ bản vị vàng là 1880-1914 và 1945-1973[4], chứ không phải dưới hệ thống tiền tệ định danh.

Vàng là tiền hay là đơn thuần chỉ là một loại hàng hóa? Đó là nội dung cốt lõi trong cuộc chơi của vàng. Nếu vàng là tiền, nó thực sự là kẻ thù không đội trời chung với các ngân hàng trung ương vì chính sách tiền tệ giá rẻ khó thực thi, và các chính phủ sẽ khó phát hành tiền giấy. Việc các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng cường mua vàng trong thời gian gần đây cho thấy, vàng đang trở lại vai trò của nó, một phương tiện tiền tệ trong nền kinh tế.

“Không có lý do gì để liên thông thị trường vàng”

Diễn biến của thị trường vàng tại Việt Nam trong thời gian vừa qua nhận được nhiều sự chú ý của dư luận. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới liên tục đứng ở mức cao, có thời điểm lên đến 5-6 triệu đồng/lượng, khiến người dân băn khoăn trước quyết định mua bán vàng.

Sự lúng túng kéo dài vì những tuyên bố “tiền hậu bất nhất” trong việc quản lý thị trường vàng. Vào cuối năm 2011, khi chênh lệch thị trường vàng chỉ ở mức 2 triệu đồng/lượng, Thống Đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra mục tiêu giảm chênh lệch về mức 400,000 đồng/lượng và cho rằng “giá vàng trên 400,000 đồng/lượng là có hiện tượng đầu cơ.” Từ đây, con số 400,000 đồng trở thành mặc định để người dân chờ đợi những chính sách bình ổn giá vàng, đặc biệt là giảm chênh lệch giá vàng. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 4 Quốc Hội khóa XIII vào tháng 11.2012, Thống Đốc Nguyễn Văn Bình đột ngột thay đổi chính sách bằng tuyên bố “Giá vàng trong nước chênh lệch với thế giới không gây ảnh hướng tới vĩ mô. Vì thế, không có lý do gì để bình ổn thị trường vàng[5]” và “Không có việc liên thông với thị trường nước ngoài”. Đến tháng 5.2013, thậm chí Thống Đốc còn cho rằng giá vàng trong nước cao hơn thế giới là “có lợi cho dân”.

Dù những tuyên bố điều hành của Thống Đốc có vẻ như tiền hậu, bất nhất nhưng nếu nhìn lại chính sách điều hành thị trường vàng của Việt Nam từ năm 2009 đến nay lại là một chuỗi sự kiện “thống nhất”. Bắt đầu từ cuối năm 2009, khi giá vàng trong nước nhảy múa theo thế giới tạo nên những cơn sốt vàng, NHNN đã chấm dứt sự hoạt động của các sàn vàng. Sự chấm dứt của các sàn vàng được người dân chờ đợi sẽ có một sàn vàng quốc gia nhằm minh bạch hoạt động giao dịch vàng và có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước.

Việc lập sàn giao dịch vàng ở quy mô quốc gia chẳng phải là việc khó vì trên thế giới, nhiều quốc gia cũng thành lập sàn vàng. Những quốc gia mà người dân tiêu thụ nhiều vàng như Ấn Độ, Trung Quốc cũng có sàn giao dịch vàng. Việt Nam có sẵn kinh nghiệm trong thành lập và quản lý thị trường chứng khoán nên việc thành lập sàn giao dịch vàng chỉ là chuyện muốn hay không muốn. Tuy nhiên, NHNN dường như “quên lãng” chuyện thành lập sàn giao dịch vàng mặc dù có nhiều ý kiến đề xuất.

Thay vào đó là một hướng đi cho thấy, NHNN sẽ nắm độc quyền thị trường vàng. Năm 2010 loại bỏ các ngân hàng thương mại ra khỏi thị trường vàng bằng các biện pháp: cấm kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài của các ngân hàng thương mại; áp dụng chế độ hạn ngạch nhập khẩu vàng và cấm các ngân hàng thương mại chuyển đổi vàng huy động thành VND để cho vay. Tháng 2.2011, nghị quyết 11 của chính phủ đã chuyển quyền quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh, lưu thông vàng miếng sang cho NHNN. Đến tháng 4.2012, sự ra đời của nghị quyết 24 của chính phủ đã khẳng định NHNN độc quyền trong việc sản xuất miếng, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Các NHTM chỉ còn là kênh mua bán trung gian vàng cho NHNN. Một sự kiện  quan trọng khác là Thống Đốc Bình chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia vào tháng 11.2012.

Việc NHNN kiểm soát chặt thị trường vàng đúng là có lợi cho ngân sách nhưng không phải là về giá mà là khả năng vay nợ. Sự tồn tại của thị trường vàng sẽ hút mất một phần nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế và gây khó khăn cho chính phủ trong việc thu hút nguồn vốn.  Thực sự, lượng vàng trong dân tại Việt Nam có thể lên đến 1,000 tấn[6] cho thấy người dân có thói quen nắm giữ vàng nhằm phòng vệ trước sự mất giá của đồng tiền. Trong giai đoạn năm 2009 và 2010, số vốn mà chính phủ huy động được thông qua phát hành trái phiếu chỉ khoảng 65,000 tỷ đồng. Nhiều phiên đấu thầu rơi vào ế ẩm vì người dân đang chạy theo cơn số vàng, đô la. Từ khi biện pháp kiểm soát thị trường vàng được thực hiện mạnh tay trong năm 2012, lượng vốn huy động của chính phủ tăng mạnh hơn. Phải chăng liệu chính phủ chần chừ trong việc lập sàn vàng quốc gia là do e ngại kênh đầu tư vàng sẽ gây khó khăn trong việc phát hành trái phiếu chính phủ? Thực tế, người dân đang trở nên khó khăn hơn trong việc giao dịch vàng khi giảm số lượng địa điểm giao dịch vàng từ 12,000 điểm xuống còn 2,500 điểm (do 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp điều hành). Do đó, mặc dù người dân vẫn được quyền nắm giữ vàng nhưng lại không đảm bảo được quyền tự do mua bán vàng.
Bảng 1. Huy động vốn trái phiếu chính phủ
đơn vị : tỷ đồng
2009
2010
2011
2012
2013(*)
Huy động vốn
64,000
65,000
81,716
140,000
208,100
Nguồn: Thu nhập từ báo chí của tác giả.
(*) là mục tiêu phát hành trái phiếu chính phủ cho năm 2013

Cần nhớ, ngân sách nhà nước đang ở trong thời kỳ khó khăn. Thâm hụt ngân sách tăng cao và ở mức 5%-6% GDP. Nợ công của chính phủ cũng có thể đang 128 tỷ USD, tương ứng 106% GDP năm 2011 theo số liệu tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân tại Nha Trang. Mục tiêu huy động vốn trái phiếu 2013 gần như gấp 1.5 lần cho thấy chính phủ đang rất muốn vay càng được nhiều nợ.

Lại nói về chuyện chênh lệch giá vàng. Thay vì lập sàn giao dịch vàng, NHNN lại tổ chức đấu thầu vàng để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Tính đến tháng 4.2013, khoảng 12 tấn vàng[7] đã được bán ra nhưng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn không giảm. Nhiều người kỳ vọng sau ngày 30.6.2013 khi các NHTM thực hiện tất toán xong trạng thái vàng thì có khả năng làm giảm chênh lệch giá vàng. Để biết được điều này có xảy ra hay không, chúng ta thử suy nghĩ những vấn đề sau: (1) Liệu NHNN có “dại” đi ngược lại với xu hướng của các ngân hàng trung ương trên thế giới (đang mua vàng) là đi bán vàng nếu bản chất của vàng là tiền ? (Tự trả lời nhé bạn đọc) (2) Quỹ dự trữ ngoại hối có đủ để NHNN mua vàng thế giới và đem ra bình ổn thị trường? Chắc chắn là không đủ. Nguồn cung vàng cho thị trường có thể vẫn thiếu hụt. Tâm lý người nắm giữ vàng vẫn sẽ vẫn lo không mua được vàng. (3) Nếu việc tổ chức đấu thầu bán vàng miềng thực sự liên quan đến tất toán trạng thái vàng của các NHTM, liệu NHNN có quan tâm đến chênh lệch giá vàng giữa thế giới và trong nước. NHNN thậm chí còn làm lợi cho quỹ dự trữ ngoại hối nếu bán vàng với mức giá cao.



[3] Anh Quốc được khuyến nghị phá giá mạnh đồng Bảng: http://www.politics.co.uk/news/2013/04/29/pound-must-be-devalued-by-another-third-to-save-economy
[4] Xem thêm về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. http://en.wikipedia.org/wiki/Post%E2%80%93World_War_II_economic_expansion
[5] Xem tuyên bố của thống đốc: http://sggp.org.vn/chinhtri/2012/11/304093/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét